Câu chuyện văn hóa của hai lá cờ

Status này mình viết cách đây gần ba tháng trong chuyến đi Úc và lần đầu tiên đứng trước lá cờ vàng ba sọc đỏ. Trải qua nhiều sự kiện với cộng đồng người Việt ở Úc và Canada, điều mình nhận thấy là sự xuất hiện rất phổ biến của lá cờ vàng trong các sinh hoạt cộng đồng nơi đây. Sẽ rất dễ cho người trong nước hiểu tại sao lá cờ này xuất hiện trong các sinh hoạt chính trị như biểu tình, hội nghị hay họp báo, nhưng không dễ để hiểu tại sao nó lại được rước lên sân khấu trong một chương trình... ca nhạc.

Trong các chương trình ca nhạc mình tham dự, tiết mục đầu tiên không phải là màn khuấy động khán phòng bằng nhạc nhảy, mà là tiết mục chào cờ. Quốc kỳ Việt Nam Cộng hòa và quốc kỳ của nước sở tại sẽ được hai bạn trẻ rước lên sân khấu và hai bản quốc ca lần lượt được cử hành. (Tác giả quốc ca Việt Nam Cộng hòa là một người miền Nam rất quen thuộc với miền Bắc: Lưu Hữu Phước)


Phải nói là mình đã hơi lúng túng trong một sự kiện cộng đồng ở Melbourne, khi ban tổ chức yêu cầu mọi người đứng dậy làm lễ chào cờ. Với một thanh niên được sinh ra và lớn lên trong không gian thống trị của lá cờ đỏ như mình, điều này hoàn toàn xa lạ. Trong một thời gian dài, hệ thống tuyên giáo của "bên thắng cuộc" đã thành công trong việc gieo vào lòng người dân một nỗi lo sợ mơ hồ khi dính líu đến lá cờ vàng. Câu chuyện điển hình được truyền miệng trong dân gian là: một cán bộ nhà nước đi công tác nước ngoài, vô tình chụp ảnh với lá cờ vàng, thế là về nước bị đuổi việc.

Nhưng sự lúng túng đó qua đi chỉ sau vài khoảnh khắc, khi bạn nhận ra rằng bạn cần phải trang nghiêm đứng lên bày tỏ sự tôn trọng đối với không gian văn hóa mà bạn đang đứng, và trên hết là tôn trọng cái tình cảm mà người dân nơi đây gửi gắm vào lá cờ của mình. Tình cảm đó không thuần túy là một câu chuyện chính trị, mà còn là một câu chuyện văn hóa.

Là một câu chuyện văn hóa, ý nghĩa của mỗi lá cờ vượt lên trên mọi cuộc tranh luận và thành kiến chính trị để trở thành một giá trị tinh thần thiêng liêng trong mỗi con người. Ở khía cạnh đó, người ta không tìm thấy Hồ Chí Minh hay Ngô Đình Diệm trong mỗi lá cờ, mà chỉ tìm thấy lũy tre xanh đầu làng, sự lam lũ của mẹ cha, đôi má hồng của thiếu nữ và một bát phở bò nghi nghút khói. Chúng ta đã tiêu tốn hơn nửa thế kỷ qua để chính trị hóa những lá cờ và biến nó thành biểu tượng của sự chia rẽ, mà quên mất là chúng đã gặp nhau ở tầng sâu thẳm nhất trong lòng mỗi người dân, dù Nam hay Bắc.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân