Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Khó có thể nói tôi thích sống ở Đài Bắc đến thế nào. Đài Bắc nói riêng và đất nước Đài Loan nói chung có thể coi là tất cả những gì một người Việt Nam có thể mơ ước: kinh tế thịnh vượng, chính trị dân chủ, môi trường trong lành, và văn hóa sống thì không thể có nước nào gần Việt Nam hơn nữa. 

Một trong những điều gây ấn tượng đặc biệt với tôi gần đây là một khám phá mới về Đài Bắc: cung đường đạp xe dọc sông Tamsui (Đạm Thủy).

Dù ở Đài Bắc đã ba năm nhưng với một kẻ lười di chuyển như tôi thì đây là lần đầu tiên tôi biết tới cung đường rất đặc biệt này. 

Nói qua một chút về sông Đạm Thủy. Đây là con sông dài thứ ba ở Đài Loan (159 km) và dài nhất Đài Bắc. Nó chạy xuyên qua các khu dân cư, ngăn cách Đài Bắc (Taipei) với Tân Bắc (New Taipei). Bạn nào từng đi du lịch Đài Bắc chắc biết các khu như Tây Môn (Ximending), chùa Long Sơn (Longshan Temple), thì hai địa điểm nổi tiếng này rất gần bờ sông và cung đường mà tôi sẽ kể dưới đây. 

Sông Đạm Thủy, vì vậy, cũng giống sông Hồng chia đôi Hà Nội, mặc dù con sông này nhỏ hơn sông Hồng nhiều và không có nhiều phù sa như sông Hồng. Tôi muốn so sánh nó với sông Tô Lịch hơn, bởi trọng tâm bài này sẽ nói về vấn đề môi trường. 

Sông Tô Lịch thì hẳn ai cũng biết là nó ô nhiễm cỡ nào. Thời còn là sinh viên luật ở Hà Nội, tôi có một thời gian thuê nhà trọ ngay sát sông Tô Lịch nên tôi rất thấm mùi hôi nồng nặc của nó. Hiện giờ Hà Nội đang cố tìm cách cải tạo nhưng chưa thấy có giải pháp nào khả thi cả. Câu chuyện về con sông Đạm Thủy, rất thú vị ở chỗ có thể gợi ý cho Hà Nội cải tạo sông Tô Lịch, bởi nó từng là một con sông cực kỳ ô nhiễm. 

Đây là hình ảnh quen thuộc dọc bờ sông Đạm Thủy vào đầu những năm 1990, rất gần gũi với những gì ta thấy dọc sông Tô Lịch ngày nay. 

Ảnh: Taiwantoday.tw.


























Còn đây là hình ảnh tôi chụp được tại bờ sông Đạm Thủy gần trường Đại học Quốc gia Đài Loan, đầu tháng 12/2019: 



Con sông Đạm Thủy vốn từng bị ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng. Theo một bài báo đăng trên Taiwan Today của Bộ Ngoại giao Đài Loan, nó từng là nạn nhân của một thời kỳ bùng nổ dân số và công nghiệp hóa không có kiểm soát của quốc đảo này vào những thập kỷ 1960 và 1980. Hậu quả là con sông từng rất xinh đẹp và trong sạch này phải gánh chịu ba thứ: nước thải sinh hoạt từ các hộ dân và các con kênh thoát nước không qua xử lý của cả thành phố đổ vào, nước thải công nghiệp từ hàng trăm nhà máy công nghiệp nặng dọc bờ sông, và rác thải (nhất là đồ nhựa) do các công ty xử lý rác đổ vào. 

Dĩ nhiên, những ai quen thuộc với mùi hôi thối của con sông Tô Lịch thì cũng có thể hình dung mùi hôi thối của sông Đạm Thủy này. 

Đến cuối những năm 1980, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan, phối hợp với chính quyền Đài Bắc, Tân Bắc quyết định cải tạo con sông này. Đó là một nỗ lực dài hơi, bao gồm mấy việc: 
  • Di dời các hộ dân ven sông;
  • Xử lý nước thải trước khi đổ vào sông; bao gồm cả nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp;
  • Đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm bên bờ sông;
  • Xử lý rác thải thay vì đổ rác xuống sông. 
Quá trình cải tạo cũng rất gian nan. Đầu tiên là các hộ dân không chịu di dời, hoặc nếu chịu thì đòi mức đền bù cao quá sức chi trả của chính quyền. Ý thức của người dân trong việc tập kết và đổ rác đúng nơi quy định cũng không phải ngày một ngày hai mà hình thành được. Sau đó là các nhà máy tìm mọi cách lách luật, đổ trộm chất thải xuống sông, qua mắt chính quyền. Năng lực yếu kém của chính quyền, đi kèm với nạn tham nhũng, đã bẻ cong mọi chính sách và khiến cho ý định cải tạo con sông gặp rất nhiều khó khăn. 

Các nỗ lực cải cách thể chế sau cùng cũng mang lại hiệu quả. Đến năm 2016, tờ Taipei Times cho biết chính quyền đã đóng cửa tới 54 nhà máy gây ô nhiễm và hạ mức độ ô nhiễm nước sông từ "ô nhiễm nghiêm trọng" xuống "ô nhiễm nhẹ". 

Chính quyền thành phố cho biết họ đã tổ chức nạo vét bùn ở lòng sông, dọn dẹp rác thải, đồng thời lập các đội tuần tra để ngăn chặn người dân đổ rác xuống sông. Thủy sản đã quay trở lại với số lượng ngày càng tăng, còn mùi hôi thối đã biến mất. 

Những gì tôi khám phá ra trong chuyến đạp xe dọc bờ sông chứng thực những gì tôi đọc được trên báo. Các hộ dân không còn sinh sống dọc bờ sông nữa và đã di dời đi các nơi khác. Cung đường từ Đại học Quốc gia Đài Loan xuống tận cửa sông Đạm Thủy dài hàng chục cây số, vốn là bãi tập kết rác hôi thối, nay đã biến thành những không gian vui chơi, giải trí đẹp đẽ và ngập màu xanh cho cư dân đô thị. 

Cung đường này bắt đầu từ đồi Treasure Hill nằm kế bên bờ sông. Nơi đây từng là một căn cứ phòng không của Quốc Dân Đảng vào cuối những năm 1940 nhằm chống lại các nguy cơ tấn công từ Trung Quốc đại lục. Về sau, nó được cải tạo thành một khu bảo tồn kết hợp giữa nghệ thuật và môi trường, làm hình mẫu cho một khu dân cư đô thị thân thiện với môi trường. 



Khu vực dọc bờ sông nay đã biến thành hàng loạt các khu bảo tồn thực vật, vườn bách thảo và công viên xanh. Đi khỏi khu Treasure Hill là sẽ đến ngay công viên nhỏ này: 



Tiếp tục đạp xe, ta sẽ đến Trung tâm Văn hóa Hakka, một công viên bảo tồn những nét sinh hoạt văn hóa của người Đài Loan bản địa, chiếm khoảng gần 5 triệu dân (1/5 dân số Đài Loan) hiện nay. Hakka nghĩa là "khách gia", là một tộc Hán ở đại lục, di cư sang Đài Loan từ nhiều trăm năm trước, vào cuối đời nhà Minh. Hiện họ là sắc dân thiểu số lớn thứ hai ở Đài Loan. 




Để kiểm chứng độ sạch (hay là độ ô nhiễm) của sông Đạm Thủy, tôi có ghé gần sát mặt sông để chụp hai tấm hình này. Các bạn có thể thấy mặt sông khá là xanh, gần như không có rác (tôi để ý thấy vẫn có chai nhựa lác đác ở vài nơi), và không có bất kỳ mùi gì. 



Đi tiếp, tôi gặp một công viên lớn, tên là Công viên Tưởng niệm Machangding, nơi thị dân có đủ không gian để... thả diều. Thứ xa xỉ này có lẽ ở Hà Nội giờ khó có được, dọc sông Tô Lịch thì chắc không thể làm nổi. 



Đây là cung đường đạp xe dọc bờ sông, đủ rộng cho xe đạp hai chiều, rất an toàn. 


Khu vực này gần chùa Long Sơn, tên là Twatutia, một khu mua sắm nhỏ, có tiệm nước và vài tiệm tạp hóa lặt vặt phục vụ khách tới chơi. 




Đây là hình tôi chụp từ trên cầu trông xuống bán đảo Shezidao, nằm kẹt giữa sông Đạm Thủy và sông Cơ Long (Keelung). Khu vực bán đảo này được quy hoạch theo hướng phát triển tối thiểu do nó thường xuyên bị ngập lụt, đồng thời sức ép từ cư dân địa phương cũng buộc chính quyền thành phố phải cân bằng giữa mọi kế hoạch phát triển với việc bảo tồn di sản văn hóa địa phương. 



Nếu may mắn, bạn sẽ được ngắm hoàng hôn trên sông, như hai bức hình này tôi chụp ở gần ga Guandu, thành phố Tân Bắc. 




Hành trình đạp xe còn nhiều điều thú vị với các khu bảo tồn thực vật và động vật ở khắp nơi dọc bờ sông. Tuy nhiên, hãy để dành những điều đó cho chuyến đi của riêng bạn. Riêng tôi chỉ mơ một ngày được đạp xe dọc sông Tô Lịch và ngắm những khung cảnh như thế này. 

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Việt Tân