Khoái cảm bênh vực kẻ mạnh

Tỏ ra bênh vực chính quyền nói riêng và kẻ mạnh nói chung khi người ta sai mang lại một thứ khoái cảm khá phức tạp. Một mặt họ biết chính quyền sai. Trăm phần trăm sai. Mặt khác họ tìm cách cảm thông, lo lắng cho chính quyền và viện dẫn "thuyết tương đối" để giải thích cho cái sai của chính quyền. Lập luận chính của họ là: nếu là mình mình cũng làm thế, con người có lúc đúng lúc sai, nó là lỗi hệ thống cả rồi, cấp trên ép thì phải làm chứ không có lựa chọn, xã hội cần yên bình để phát triển chứ không nên chỉ trích...

Hiện tượng bênh vực kẻ mạnh thường xuất phát từ những lợi ích ràng buộc giữa người bênh vực và kẻ mạnh. Người ta cảm thấy lợi ích đó đủ lớn để phát sinh nhu cầu vuốt ve kẻ mạnh, qua đó củng cố sự an toàn, ổn định và vững chắc của những lợi ích xung quanh mình. Tỏ ra bênh vực kẻ mạnh và tỏ ra ngoan ngoãn trước kẻ mạnh thực sự mang lại khoái cảm an toàn, hay là cảm giác được nương nhờ, được bấu víu vào một cái gì đó, dù chỉ là mơ hồ. Lợi ích thu được có thể không phải chỉ là lợi ích vật chất, mà còn là lợi ích tinh thần, gắn liền với ý thức hệ và tâm lý thần dân (chứ không phải tâm lý công dân).


Bảo vệ lợi ích của mình là điều dễ hiểu. Vấn đề của xã hội có lẽ chỉ là sự phân phối lợi ích không công bằng, mà người có vai trò lớn nhất trong việc phân phối đó lại là chính quyền. Những người hưởng lợi từ chính quyền muốn củng cố hệ thống phân phối đó, còn những người thiệt thòi thì đòi hỏi phải thay đổi hệ thống phân phối cho công bằng hơn. Xung đột giữa họ đương nhiên là có, mà biểu hiện đơn giản nhất là những người bênh vực chính quyền và những người chỉ trích chính quyền quay ra chỉ trích lẫn nhau.

Trên thực tế, chính quyền là lực lượng mạnh nhất trong xã hội. Chẳng cần ai bênh vực hay vuốt ve thì nó vẫn mạnh. Bênh vực cái sai của chính quyền cũng chẳng phải là một hành vi hoàn toàn thiện chí với chính quyền, mà còn làm nản lòng thành phần cải cách trong chính quyền, rồi cứ như vậy duy trì sự ổn định giả tạo của xã hội. Tất nhiên để xây dựng được văn hóa chỉ trích văn minh và có chất lượng cần một thời gian đủ dài, nhưng nếu dập tắt nó ngay từ đầu thì chẳng bao giờ có được thứ văn hóa đó cả.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân