Giọt nước mắt của những người tiên phong

Suốt thời học sinh và sinh viên của mình trong thập niên 90 và những năm 2000, chuyện Hoàng Sa và một phần Trường Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm không hề được nhắc đến trên bất cứ cuốn sách giáo khoa hay tờ báo nào. Bọn trẻ con chỉ lờ mờ biết chuyện đó qua những lời đồn đại của người lớn. Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn mờ nhạt trong kí ức của cả thế hệ mình.

Mãi cho đến năm 2008-2009, lần đầu tiên mình thấy vấn đề này được xới lại trên phương tiện chính thống qua một loạt bài báo của nhà báo Đoan Trang, khi đó còn là phóng viên của báo VietNamNet. Loạt bài có tính hiện tượng đó thức tỉnh trở lại ý thức của mình và có lẽ là rất nhiều người khi đó về những hòn đảo đã mất. Và cũng kể từ đó, tuyến đề tài về biển đảo trở lại trên các sạp báo. Cái giá mà nhà báo Đoan Trang phải trả cho việc này là 9 ngày tù, bị đuổi việc, bị đồng nghiệp cô lập, bị công an sách nhiễu liên tục và rơi vào hoản cảnh vật chất thê thảm.

Sau đó mình tìm hiểu dần và biết rằng, vài tháng trước khi nhà báo Đoan Trang bị bắt, báo Du Lịch bị cơ quan chủ quản "cưỡng chế" đóng cửa, đẩy hàng chục phóng viên và cán bộ tòa soạn ra đường, chỉ vì đăng bài viết "Tản mạn với đảo xa" của nhà báo Trung Bảo trên số Xuân 2009.

Trước đó nữa, vào tháng 12-2007 và tháng 1-2008, hàng trăm người, chủ yếu là thanh niên, sinh viên đã xuống đường biểu tình trước Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội và Sài Gòn nhằm phản đối Trung Quốc lập thành phố Tam Sa, bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Họ bị công an sách nhiễu trong một thời gian dài và sau đó bị ảnh hưởng tinh thần nặng nề. Về sau tôi xem ảnh và nhận ra một người quen, tôi có thử hỏi anh, nhưng anh im lặng, không đáp. Tôi lờ mờ hiểu anh không muốn nói đến chuyện đó nữa.

Thời gian gần đây, báo chí thẳng thừng tuyên bố về sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Nó làm tôi nhớ đến những người đã đi tiên phong, gióng lên những tiếng nói can đảm và dõng dạc từ 6, 7 năm trước, và nhận về mình rất nhiều cay đắng. Điều không vui là chúng ta không chỉ phải chiến đấu với Trung Quốc, mà chúng ta còn chiến đấu với nhau, tơi bời và bi kịch còn hơn cả chiến đấu với Trung Quốc.

Những câu hỏi "Viết thế để làm gì?" và "Đi biểu tình để làm gì?" đã có câu trả lời, dù là câu trả lời khá muộn màng và chưa trọn vẹn. Ngày nay, người ta vẫn tiếp tục hỏi những câu hỏi đó. Những nhà báo vẫn nhận về mình ít nhiều cay đắng, còn những người biểu tình thì vẫn bị thành kiến nặng nề. Thời gian chưa đủ dài để một dân tộc học được trọn vẹn một bài.

Cuộc biểu tình chống Trung Quốc trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, tháng 12-2007.
Bài viết "Vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa: cần một nỗ lực tổng hợp" của nhà báo Doan Trang đăng trên Tuần Việt Nam ngày 7-12-2008

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân