Ký sự Philippines: “Chúng ta sẽ thắng trận này”

Sống Mới - “Chúng ta sẽ thắng trận này”. Đó là thông điệp mà một người dân thành phố Tacloban viết lên tường nhà mình ngay sau cơn bão Haiyan. Sau hơn một ngày đi qua những đống đổ nát từ Ormoc đến đây, không thể nói là tôi không bị ấn tượng mạnh bởi bức thông điệp này.

Tuyệt vọng hay không tuyệt vọng?

Tôi đến Ormoc trên một chuyến tàu rời cảng Cebu sáng 19-11, mang theo hơn một trăm hành khách. Trong số hành khách, dễ dàng nhận thấy nhiều người đến từ Malaysia và Hàn Quốc trong những bộ đồng phục của các tổ chức cứu trợ. Một vài hành khách người Philippines lần đầu tiên trở lại Ormoc kể từ khi cơn bão Haiyan quét qua khu vực này mười một ngày trước đó.

Khung cảnh đổ nát của thành phố hiện lên ngay trước khi tàu cập cảng Ormoc. Trung tâm thương mại lớn bên cạnh cảng bị bão giật tung mái và toàn bộ các cửa kính đều bị phá hủy, chỉ còn trơ lại các khung dầm thép. Các tòa nhà trên con đường dọc kè biển cũng rơi vào tình trạng tương tự, tuy thiệt hại ít nghiêm trọng hơn. Các đống đổ nát và rác rưởi trên đường vẫn chưa được dọn dẹp, mặc dù cuộc sống kinh tế có vẻ đã nhộn nhịp trở lại.

Trên đường phố vẫn còn vương lại một vài tấm biển kêu cứu: “S.O.S help us”, “We need food”, “Please help me”,... Trên một nhà dân, chủ nhân căng một lá cờ Mỹ cùng với thông điệp “Please help us and all the people in Ormoc and Tacloban” (Xin hãy giúp chúng tôi và tất cả mọi người ở Ormoc và Tacloban). Điều này gợi tôi nhớ đến một câu nói không biết là đùa hay thật của một hướng dẫn viên du lịch rất hài hước ở Manila: Sâu thẳm trong tim, mỗi người Philippines chúng tôi đều muốn là một người Mỹ! Sự trợ giúp tích cực của Mỹ sau cơn bão Haiyan đã gieo nhiều hy vọng cho các nạn nhân ở khu vực này.

Con đường 110 cây số từ Ormoc đi Tacloban thực sự là con đường chết chóc. Thật khó để tìm thấy một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, kể cả mái của các nhà thờ rất kiên cố. Xe đi qua các đồi dừa bạt ngàn - kế sinh nhai chủ yếu của người dân nơi đây. Chúng đều hoặc là đổ nghiêng ngả, hoặc là trơ trụi lá. Một người nông dân trèo lên xác những cây dừa, đứng bất động nhìn xuống khu vườn của mình, sau lưng ông chỉ là một mái nhà ọp ẹp chắp vá bằng đủ các loại vật liệu. Phải mất ít nhất 5 năm để một cây dừa cho thu hoạch, tôi không hiểu họ sẽ gượng dậy bằng cách nào.

Nhưng giữa con đường chết chóc đó, người ta vẫn thấy le lói chút ánh sáng của sự lạc quan. Nụ cười không biến mất trên khuôn mặt của người dân. Đó đây vẫn thấy những nhóm trẻ con vô tư chơi bên một con sông phẳng lặng, và thanh niên ở đây vẫn không quên chơi bóng rổ trên những con đường làng. Nhưng gây ấn tượng hơn cả đối với tôi là tấm biển treo trên nóc một ngôi nhà bị hư hỏng trên đường tôi đi xe đò rời Ormoc: “Roofless, homeless but not hopeless” (Không mái nhà, vô gia cư nhưng không tuyệt vọng). Tôi bắt đầu cảm thấy có điều gì đó thật đặc biệt ở vùng đất này.


Từ khách sạn 5 sao tới khách sạn… nhiều nghìn sao

Do một sự tình cờ, tôi được… ở ké một khách sạn 5 sao cùng với một vài người bạn ở Cebu trước khi đi Tacloban. Nửa ngày sau đó, số “sao” tăng lên rất nhiều, khi tôi có trọn một đêm màn trời chiếu đất ở sân bay Tacloban.

Chuyến xe đò đưa tôi đến Tacloban khi trời đã tối hẳn. Không có điện, thành phố chỉ sáng được nhờ đèn ô-tô, xe máy và ánh sáng từ các đèn cực đại của các khu vực quân sự hắt lên trời. Những gì thấp thoáng hiện lên trong bức tranh nhá nhem đó là những núi rác khổng lồ trước mỗi nhà dân, những gốc cây nằm chỏng chơ bên đường, những ngôi nhà hoặc là xiêu vẹo, hoặc là tan nát, và những người dân đang nhóm lửa đốt núi rác trước nhà.

Khác với nhiều mô tả về tình trạng mất kiểm soát ở vùng này trước đó, tôi không cảm thấy có gì nguy hiểm khi ở đây vào buổi tối. Bình yên như một ngôi làng, người dân nơi đây bắc ghế ra đường ngồi trò chuyện và hóng chút gió mát từ biển thổi vào. Các hoạt động kinh tế hầu như đã tạm dừng do điều kiện thiếu ánh sáng. Chỉ còn các bác lái xe tricycle là vẫn hoạt động.

Đồng ý trả 200 Peso (tương đương 100 nghìn đồng Việt Nam) cho quãng đường từ trung tâm thành phố lên sân bay Tacloban, tôi lên xe cùng với một cậu bé khoảng 7, 8 tuổi con trai bác tài xế. Xe băng qua những cánh đồng vắng, dưới bầu trời đầy sao. Cậu bé lén nhìn tôi cười bẽn lẽn sau tay áo của bố. Tôi cười đáp lại. Đó là một khoảnh khắc bình yên tuyệt đối giữa bốn bề đổ nát, như chưa từng có cơn bão nào tạt qua đây.  

Tới sân bay, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là: nếu không có mấy cái máy bay quân sự Mỹ đang đậu trên đường băng, không ai có thể gọi đây là một cái sân bay. Các phòng chờ và quầy check-in đã đổ nát gần như hoàn toàn. Sảnh trước lầy lội và ngổn ngang cây cối, gạch đá. Thấp thoáng một vài biển hiệu của hãng hàng không Cebu Pacific nằm lọt thỏm dưới những tấm cửa xếp đã bung bản lề. Khu vực trước đây là phòng chờ dành cho VIP chỉ còn một vài băng ghế xiêu vẹo. Rất đông người dân đang xếp hàng chờ đến lượt được lên máy bay quân sự Mỹ đi sơ tán tại Manila. Nhiều người khác đứng ngồi vạ vật ở các phòng. Còn cánh phóng viên truyền hình thì đang tấp nập đưa tin.

Phòng chờ dành cho khách VIP nay đã bung mái và sập tường. 
Tôi băng xuyên qua dãy phòng chờ và… vào thẳng sân ga. Máy bay Mỹ lên xuống liên tục. Cứ khoảng 20 phút lại có một máy bay lên hoặc xuống. Quân đội Mỹ dựng hẳn lều trại trong sân ga, binh lính của họ trải khắp sân ga để làm thủ tục cho người dân lên máy bay trong tiếng gầm rú của động cơ và cánh quạt. Mỗi chuyến bay này mang theo khoảng 150 - 200 người. Mỗi người đều được phát đồ ăn và nước uống trước khi lên máy bay. Tôi cũng được một sĩ quan Philippines chia đôi khẩu phần bánh mỳ, nhưng tôi từ chối vì đã mang sẵn khá nhiều đồ ăn.


Mệt mỏi sau một hành trình dài, tôi tìm một khoảnh đất trống, có vẻ đã từng là bồn hoa, lấy dây nilon buộc balo vào chân để đề phòng mất cắp, và ngả lưng. Xung quanh tôi vẫn là hàng trăm người đang vạ vật chờ đến lượt lên máy bay đi sơ tán. Một gia đình có bốn đứa con đến cạnh tôi và trải bìa carton ra ngủ. Tôi bảo họ có thể cho một đứa nhỏ sang ngủ trên túi ngủ tôi đang nằm. Chúng có vẻ đã rất mệt. Một đứa sang nằm cạnh tôi, thoáng chút đã ngủ ngon lành. Bỗng dưng tôi cảm thấy ấm lòng vì cảm thấy sự có mặt của mình ở đây cũng không đến nỗi vô ích.

0h30, tôi bị đánh thức bởi một cơn mưa bất chợt. Gia đình nọ đã rời đi tự khi nào. Có lẽ giờ này họ đã ở Manila. Cuống cuồng thu dọn đồ đạc, tôi vẫn ướt gần hết trước khi kịp tìm thấy một chỗ trống trong khu vực quầy check-in. Luồng gió mạnh từ cánh quạt máy bay thổi liên tục giúp cho chiếc túi ngủ của tôi, và cả tôi, nhanh chóng khô ráo trở lại. Tôi đặt balo xuống sàn và trải túi ngủ ra ngủ tiếp. Lần này không buộc balo vào chân nữa, tôi nghĩ mình hoàn toàn có thể tin rằng nó sẽ không bị mất cắp giữa rừng người đói khổ này. Tôi muốn tin vào con người, và ngủ một mạch đến sáng.

“We will win this fight”

Tiếng ồn từ một toán hành khách của một chuyến bay thương mại làm tôi tỉnh giấc lúc 5h30 sáng. Lúc này ánh mặt trời đã le lói sau rặng núi và đám mây đen phía xa. Đoàn người chờ đi sơ tán vẫn rất đông và kiên nhẫn xếp hàng. Tôi xách balo lên, dĩ nhiên nó vẫn còn, tranh thủ chụp vài tấm hình và đón xe tricycle về trung tâm thành phố.

Tacloban, dưới ánh sáng ảm đạm ban ngày, hiện rõ vẻ hoang tàn và rách rưới của nó. Phố xá ít người qua lại, bùn đất lẹp nhẹp dưới chân, và xung quanh là những ngôi nhà đổ nát. Tôi không hiểu phải mất bao nhiêu lâu, sáu tháng hay một năm để dọn dẹp hết  những núi rác khổng lồ ở đây và trả thành phố trở về với dáng vẻ vốn có của nó. Bạn gần như chỉ có thể tìm thấy khung cảnh này trên phim trường Hollywood, trong những bộ phim về ngày tận thế. Quả thực chưa bao giờ tôi thấy khâm phục các nhà làm phim đến thế.





Trả cho một anh xe ôm 500 Peso để đi khắp thành phố trong một giờ đồng hồ, tôi thực sự muốn tìm thấy một cái gì đó thật đáng để hy vọng ở đây.

Và tôi đã không phải thất vọng. Người dân Tacloban đã bắt đầu tìm lại cuộc sống của mình trong những phiên chợ, những chuyến xe khách ngược xuôi, những bếp lửa nhóm bên túp lều dựng tạm và cả những nụ cười trên môi. Ngành du lịch Philippines có một khẩu hiệu nổi tiếng: “It’s more fun in the Philippines” (Vui hơn ở Philippines). Có lẽ nó phản ánh đúng tinh thần của người dân nước này, dễ quên đi quá khứ và vui vẻ với hiện tại.

Tacloban không chỉ có những tiếng kêu cứu S.O.S viết vội lên tường, mà còn có những khẩu hiệu rất mạnh mẽ. “We will survive” (chúng ta sẽ sống sót) và “We will win this fight” (chúng ta sẽ chiến thắng trận này) là những khẩu hiệu mà tôi tìm thấy trên đường phố Tacloban. Người chủ nhân già của ngôi nhà có khẩu hiệu “We will win this fight” rất niềm nở đón tôi và khoe rằng mình đã đến Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Ông xin tên và thông tin liên lạc của tôi vào một cuốn sổ mà ông dùng để chép lại thông tin của những vị khách đến thăm nhà. Tôi viết thông tin của mình bên dưới một vị khách người Tây Ban Nha đã đến đây ít hôm trước và hứa sẽ liên lạc lại với ông chủ. Tôi chúc ông may mắn, ông nắm tay tôi thật chặt và cười nói: Như vậy là chúng tôi đã có thêm may mắn.

Bạn không thể không yêu và tin những đất nước như vậy.

Bài và ảnh: Trịnh Hữu Long (từ Philippines)
-------------
Một số hình ảnh khác từ chuyến đi Tacloban của tôi:




Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân