Trịnh Xuân Thuận với “tầm nhìn toàn cầu”

“Từ khi còn nhỏ, tôi đã hay tự hỏi những câu hỏi như vũ trụ bắt đầu từ đâu, nó như thế nào, vật chất là gì, và tôi muốn trả lời những câu hỏi đó” – GS. Trịnh Xuân Thuận hồi tưởng. Có lẽ ngay từ thời đó, trong ông đã hình thành một nhà khoa học - công dân toàn cầu, với những mối quan tâm vượt ra ngoài trái đất, về vị trí của con người trong vũ trụ mênh mông. Hành trình khoa học của Trịnh Xuân Thuận đã bắt đầu từ đó, để giờ đây, nhà khoa học 63 tuổi quan niệm: “Con người giống nhau nhiều hơn là khác nhau, và giữa các dân tộc, không tồn tại biên giới”.

Các nhà khoa học luôn hăm hở dấn thân vào những vùng tối của nhận thức với một khát khao tri thức thuần túy, nhưng khi những bức màn bí mật của vũ trụ được họ vén lên, nó vô tình đưa đẩy con người đến chỗ định vị lại chính bản thân mình. Nếu như một con người luôn cảm thấy khó khăn khi phải thừa nhận vị trí khiêm tốn hơn mong đợi của mình trong xã hội, thì nhân loại còn khó khăn gấp bội lần mỗi khi họ cảm thấy ngộp thở trước cái mênh mông, bất tận của bầu trời. 

19 tuổi, Trịnh Xuân Thuận lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác choáng ngợp đó khi những cảnh sắc của vũ trụ lọt vào mắt ông từ chiếc kính thiên văn lớn nhất thời bấy giờ của Học viện Công nghệ California (bang California, Mỹ). Và cũng từ đó, tại “thánh đường của khoa học” này, trái tim của người Việt Nam trẻ tuổi đó đã mãi thuộc về bầu trời, đồng thời bắt đầu hành trình biến đổi nhận thức lớn lao trong ông về vị trí và ứng xử của bản thân con người trong vũ trụ.

Thiên văn học và cái Tôi 

GS. Trịnh Xuân Thuận thường nhắc đến con người như một loài sinh vật đã xác định nhầm hoặc chưa bao giờ hiểu được đầy đủ vị trí của mình trong vũ trụ. “Con người bao giờ cũng có cái Tôi, bao giờ cũng tưởng mình là trung tâm” – ông nói. Và ông cũng từng viết trong cuốn “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” (cuốn sách phổ biến khoa học mới nhất của ông, do dịch giả Phạm Văn Thiều chuyển ngữ, NXB Tri Thức ấn hành năm 2011): “Sự cám dỗ của một vũ trụ địa tâm là điều thật dễ hiểu. Vì cái Tôi quá lớn của con người, nên khi ngắm đường đi của các thiên thể từ Đông sang Tây, trên bầu trời, hết đêm này qua đêm khác, còn có gì tự nhiên hơn, nếu như con người giả định rằng hành tinh của chúng ta đứng im, ở chính trung tâm của vũ trụ và tất cả đều quay quanh nó?”.

Thế nên, Trịnh Xuân Thuận đánh giá thuyết Nhật tâm của Copernicus là “đã giáng một đòn chí mạng vào cái Tôi của con người”. Copernicus khởi phát một hành trình nhận thức lại về vị trí của con người trong vũ trụ và cho đến tận ngày nay, “bóng ma” của ông vẫn không thôi ám ảnh con người đi tìm vị trí đích thực của mình trong cái khoảng không mà trước đây họ từng tưởng mình là cái rốn. GS. Trịnh Xuân Thuận, mỗi khi có dịp, luôn tỏ bày sự ngưỡng mộ và biết ơn của mình đối với những thiên tài như Copernicus hay Galileo vì sự dấn thân và hy sinh của họ để tách thiên văn học ra khỏi màn nhung huyền hoặc của giáo lý nhà thờ. 

“Giờ đây, người ta đã biết rằng, Trái Đất không chỉ không phải là trung tâm của vũ trụ, mà bản thân Mặt trời của chúng ta cũng chỉ là một trong một trăm tỷ ngôi sao của dải Ngân Hà. Đến lượt mình, dải Ngân Hà lại lọt thỏm vào không gian mênh mông của một trăm tỷ thiên hà khác trong vũ trụ” – ông nói. Và một trong các thành tựu của ông – nhà khoa học gốc Việt hiếm hoi trong cộng đồng nghiên cứu thiên văn ở Mỹ – là xác định được tuổi của một thiên hà như thế. Vào năm 2004, cùng Yuri Izotov, Trịnh Xuân Thuận đã tính ra tuổi của thiên hà I Zwicky 18 là 500 triệu năm. Đó là thiên hà trẻ nhất mà con người từng biết tới. 

Sự nhỏ bé của con người trong không gian đã là quá sức tưởng tượng, nhưng thời gian lại giáng tiếp một đòn nữa và hoàn toàn hạ gục cái Tôi của con người. Học thuyết Big Bang xác định độ tuổi của vũ trụ ở một con số vĩ đại: 13,7 tỷ năm. Giả sử tất cả mọi người đều sống thọ đến 100 tuổi, thì khoảng thời gian đó cũng hoàn toàn vô nghĩa trong lịch sử vũ trụ. GS.Trịnh Xuân Thuận đặc biệt có hứng thú với việc minh họa điều này bằng cách nén lịch sử gần 14 tỷ năm của vũ trụ vào 1 năm Dương lịch: Ông nhắc lại rằng thời điểm con người đầu tiên xuất hiện là vào lúc 22h30 của ngày cuối cùng trong năm, và nhún vai khi nói: “Thời đại văn minh của loài người kể từ Phục hưng đến nay vỏn vẹn nằm ở giây cuối cùng”. 

Đối với Trịnh Xuân Thuận, thiên văn học càng tiến xa bao nhiêu thì cái Tôi của con người càng bé lại bấy nhiêu. Với vũ trụ quan có được từ hoạt động nghiên cứu khoa học đỉnh cao, ông lại đặt ra nhiều vấn đề thú vị và cơ bản về cách xử sự của con người. 

“Chúng ta đều là con cháu của các ngôi sao”

GS.Trịnh Xuân Thuận thường bày tỏ sự xúc động khi kể lại kỷ niệm lần đầu tiên ông nhìn thấy hình ảnh Trái Đất chụp từ Mặt trăng. Trong đó, “hành tinh xanh” của chúng ta hiện lên đẹp lộng lẫy, như có nhà du hành vũ trụ từng mô tả. Và điều đặc biệt là khi nhìn cảnh tượng ấy, nhà khoa học “ngộ” ra rằng: 

- Đâu có biên giới gì đâu. Biên giới là do con người nghĩ ra đấy chứ - ông nói. 

Trên thực tế, Trịnh Xuân Thuận cũng không nghĩ rằng ông thuộc về một đất nước nào. Ông được sinh ra ở Việt Nam năm 1948, học tập trong những trường của Pháp ở Việt Nam và thấm nhuần văn hóa Pháp ngay từ khi còn nhỏ. Tốt nghiệp tú tài, ông sang Thụy Sĩ du học một năm. Sau đó ông học tập, nghiên cứu ở Mỹ và mang quốc tịch Mỹ. Mặc dù vậy, phái đoàn của Tổng thống Pháp Mitterrand thăm Việt Nam năm 1993 vẫn có tên ông – nhà khoa học có uy tín, nổi tiếng với những cuốn sách truyền bá khoa học tới công chúng. 

- Cái mà vật lý thiên văn dạy tôi là, chúng ta là con cháu của các ngôi sao. Ngôi sao là tổ tiên của mình, nếu không có ngôi sao thì không có mình. Tôi không nghĩ mình là công dân của một nước mà là một công dân vũ trụ - ông chia sẻ. 

Trong tư duy của ông, vạn vật ngày nay trong vũ trụ đều được tạo thành bởi những nguyên tử được trui rèn trong những lò phản ứng hạt nhân của các ngôi sao, hình thành từ khoảng 1 tỷ năm sau Big Bang. Với quan niệm như vậy, đối với ông, mọi người giống nhau nhiều hơn là khác nhau và cái mà ông gọi là “global vision” (tầm nhìn toàn cầu) là một chuẩn mực ứng xử mà con người cần phải hướng tới. Trong tầm nhìn toàn cầu của ông, mọi sự đấu đá, giành giật thật vô nghĩa; chiến tranh, xung đột vũ trang là điều cấm kỵ; và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ bức thiết mà con người cần phải đoàn kết để thực thi. 

- Nhiều người vẫn ích kỷ, vẫn nghĩ là “me first, you second” (tôi trước, anh sau), vẫn chưa có một tầm nhìn toàn cầu. Hiện giờ tôi hơi bi quan. Tôi mong là loài người sẽ có được cái nhìn toàn cầu để thay đổi lối sống của mình. Người nào ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nước mình thì không có tương lai cho Trái Đất, cho con cháu của mình. 

Về thăm Việt Nam, ông không hài lòng khi đến vịnh Hạ Long, thấy “người ta xây nhiều khách sạn ven bờ biển quá, làm mất đi vẻ đẹp thiên nhiên”. Nhà khoa học ưu tư: “Xây nhà nhiều thì sinh ra nhiều chất thải làm ô nhiễm vịnh. Việt Nam là một xứ đẹp, có sự đa dạng sinh học, cái đó là cái giàu có của nước mình nên mình phải ráng giữ. Tôi hiểu nước mình nghèo nên muốn kiếm tiền, nhưng mình phải tôn trọng những gì chung quanh. Đừng chỉ nghĩ đến lợi nhuận”. 

Ông không chia sẻ với nhà vật lý Stephen Hawking, khi Hawking cổ vũ loài người đi tìm một nơi ở mới để cứu vãn sự sống của mình trước sự cạn kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường. Trịnh Xuân Thuận không cho rằng đây là thời điểm loài người phải bỏ Trái Đất, chiếc nôi đã tạo ra mình, mà phải cứu lấy nó như niềm hy vọng duy nhất cho sự trường tồn của con người và muôn loài sinh vật. Vả chăng, nếu tự bản thân con người không thay đổi cách ứng xử của chính mình với tự nhiên, thì những điều kiện hữu  hạn cho sự sống tồn tại trong vũ trụ cũng sẽ bị lòng tham không đáy của con người hủy diệt. 

Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận, người ta luôn có cảm giác rằng người đàn ông cao lớn, mực thước này đã vượt lên trên mọi tư duy thiển cận, ích kỷ, mọi xung đột vô nghĩa của con người để trở thành một công dân vũ trụ có trách nhiệm. Thành tựu của ông như là nhà khoa học đã xác định được thiên hà trẻ tuổi nhất trong vũ trụ đã không chỉ đến từ khát khao học thuật, mà ở đó còn tiềm ẩn những nỗ lực của ông trong quá trình định vị lại con người trong vũ trụ. 

Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân