Nguyễn Văn Vĩnh và những thăng trầm với Đông Dương tạp chí

(Tạp chí Sách Xưa, tháng 3-2012) - Tháng 5/1937, 18 năm kể từ khi bị đóng cửa, người ta thấy Đông Dương tạp chí được xuất bản trở lại ở Bắc Kỳ (1). Bộ mới này của Đông Dương tạp chí đã không còn gây được ảnh hưởng như phiên bản tiền thân của nó, mà một trong những lý do chính là sự vắng mặt của người chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh – vốn đã qua đời một năm trước đó.

Người kiên trì với nghề báo

Trên thực tế, Đông Dương tạp chí không phải là tờ báo đầu tiên và duy nhất mà Nguyễn Văn Vĩnh góp mặt với vai trò chủ bút. Cho đến khi qua đời tháng 5/1936 ở Lào, ông đã có một sự nghiệp báo chí đồ sộ kéo dài gần 30 năm, với ít nhất 8 tờ báo.

Năm 1906, ông được François-Henri Schneider (người Pháp) – chủ nhiệm tờ Đại Nam Đồng Văn nhật báo mời tham gia biên soạn và in ấn. Một năm sau, tờ này đổi tên thành  Đăng cổ tùng báo (nghĩa là tập báo “khêu đèn gióng trống”) – tờ báo đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam và được coi như là cơ quan ngôn luận của trường Đông Kinh nghĩa thục.

Sau 5 năm kiên trì làm báo trong những điều kiện cấm đoán khắt khe của chính quyền bảo hộ Pháp lúc bấy giờ với các tờ Notre Journal (Nhật báo của chúng ta), Notre Revue (Tạp chí của chúng ta) và Lục tỉnh tân văn, đên năm 1913, ông trở thành chủ bút của Đông Dương tạp chí và bắt đầu kiêm nhiệm tờ Trung Bắc tân văn từ năm 1915. Sau khi Đông Dương tạp chí bị đóng cửa và buộc phải chuyển thành tờ Học báo năm 1919, Nguyễn Văn Vĩnh vẫn giữ vai trò chủ bút.

Dù không thể kiếm sống với nghề báo, đến năm 1931 ông vẫn vay vốn ngân hàng lập tờ báo tiếng Pháp lấy tên là An Nam Nouveau và điều hành tờ này đến năm 1935. Ông bị buộc phải đóng cửa tòa báo, sang Lào đào vàng trả nợ và qua đời tại đây.

Đánh giá về năng lực và vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh đối với nền báo chí Việt Nam, GS. Sử học Dương Trung Quốc cho rằng, “nhờ dũng cảm vượt qua hàng rào ngôn ngữ và mặc cảm xã hội thời bấy giờ (vốn đánh đồng văn hóa phương Tây và chủ nghĩa thực dân – TG), Nguyễn Văn Vĩnh mở ra được cả một hướng phát triển cho báo chí và là một trong những người tiên phong đưa văn hóa phương Tây vào Việt Nam”.

Sản phẩm của chính sách bảo hộ mới

Thời kỳ tồn tại của Đông Dương tạp chí nằm gọn trong thời kỳ Albert Sarraut nắm giữ ghế Toàn quyền Đông Dương (1912 – 1919). Với tư tưởng cấp tiến và chủ trương hợp tác, vị Thủ tướng tương lai của nước Pháp này đã tạo ra một không khí dễ thở hơn nhiều so với người tiền nhiệm, với việc cho tổ chức lại trường đại học, mở thêm trường học ở các cấp và cho phép người Việt Nam tham gia nhiều hơn vào các hội đồng. Nhờ chính sách hợp tác của Albert Sarraut, báo chí đã có điều kiện tự do ngôn luận nhất định để phát triển.

Bên cạnh đó, GS. Dương Trung Quốc còn cho rằng, “1913 là năm ông Hoàng Hoa Thám kết thúc cuộc khởi nghĩa của mình, người Pháp căn bản bình định được Việt Nam. Cho nên lúc đó người Pháp muốn đưa ra một chính sách mới và cũng cố gây dựng một tầng lớp thượng lưu của Việt Nam và ủng hộ chế độ thuộc địa. Đông Dương tạp chí ra đời trong hoàn cảnh ấy và Nguyễn Văn Vĩnh đóng một vai trò rất quan trọng là chủ bút”.

Đông Dương tạp chí – công cụ canh tân văn hóa và truyền bá chữ Quốc ngữ

Với việc ra đời như một công cụ trong tay người Pháp để mềm mỏng hóa mối quan hệ với cư dân thuộc địa, Đông Dương tạp chí và Nguyễn Văn Vĩnh không tránh khỏi những đánh giá khắt khe của giới nghiên cứu về quan điểm chính trị. Tuy nhiên, sử liệu lưu trữ được cho đến nay dường như không nói lên nhiều điều về khía cạnh chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh trong thời kỳ ông làm chủ bút  Đông Dương tạp chí. Thay vào đó, ông đã thể hiện mình như một nhà canh tân văn hóa, hay nói cho chính xác, ông đã cố công sửa chữa những khuyết tật về tính cách của người Việt và nỗ lực đưa văn hóa phương Tây vào Việt Nam.

Ngày nay, cụm từ “người Việt xấu xí” đã trở nên quen thuộc trên khắp các mặt báo như một cách gọi tên những thói hư tật xấu của người Việt. Tuy nhiên, ngay từ những số đầu của Đông Dương tạp chí, xuất bản năm 1913, Nguyễn Văn Vĩnh đã đăng gần 20 bài viết về những góc cạnh xấu xí này trong một chuyên mục được gọi là “Xét tật mình”. Với chủ trương “nói hết, để biết hết, để chữa hết” những khuyết tật văn hóa này và bằng những bài viết cô đọng, đi thẳng vào vấn đề, ông đã buộc các độc giả người Việt thời bấy giờ phải nhìn nhận lại chính mình. Ông đả phá từ những thói quen tính cách như  ỷ lại, vô cảm, thụ động cho đến những vấn đề tế nhị mà ngay cả thời bây giờ cũng ít ai dám nói ra hay thay đổi, như thói trả nợ miệng.

Trong Đông Dương tạp chí số 10 – 1913, ông viết: “Hàng mấy chục người quần quật, tíu tít vào việc này (ý chỉ việc cỗ bàn – TG), đến nỗi lòng thương nhớ người chết cũng bị chìm đi trước nỗi lo đối đãi người sống. (…) Hàng nghìn đời trả nợ miệng như thế, nước ta vẫn đắm mình trong nghèo khó, lạc hậu”.

Hay một bài khác đăng trên số 15 năm 1913: “Biết bao người từ đủ bát ăn, đến phong lưu, giàu có mà vẫn nhẫn tâm thực hiện triết lý ích kỷ “cháy nhà hàng xóm, bình chân như vại”, vẫn ăn ngon ngủ yên, không hề động lòng”.

Bên cạnh đó, bằng những kiến thức và trải nghiệm thực sự của mình, ông đã biến Đông Dương tạp chí thành nơi truyền bá những giá trị văn hóa phương Tây, thông qua hàng loạt các bản dịch của Thơ ngụ ngôn La Fontaine, Luận lý học, Triết học yếu lược,…

Sau cùng, trên tất cả, với 6 năm tồn tại với tư cách là một tờ báo chữ Quốc ngữ, Đông Dương tạp chí đã là một phần quan trọng trong  sự nghiệp truyền bá chữ Quốc ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh. Ông là người rất có ý thức và hành động rất hiệu quả trong việc đưa chữ Quốc ngữ từ một ngôn ngữ hành chính mà thực dân Pháp muốn áp đặt ở Việt Nam, thành một công cụ văn hóa, ngôn ngữ xã hội, mà cỗ xe tiên phong là báo chí.

Điều đáng tiếc là cho đến nay, 100 năm sau khi ông “xét tật mình”, trong mỗi “người Việt xấu xí” vẫn mang đầy đủ những khuyết tật mà ông đã từng chỉ ra. Người ta đang cố công khơi gợi lại những giá trị của ông để chống lại đúng những khuyết tật mà ông từng chống. Sự thay thế những yếu tố văn hóa đã tích tụ hàng nghìn năm vốn đã khó, lại càng khó hơn do những biến cố và đứt gãy lớn của lịch sử. Nếu nhìn nhận canh tân văn hóa là một quá trình thì xem ra nó đã, đang là một chuyến tàu chậm và đường ray của nó cũng không ít gập ghềnh. Tuy vậy, quá trình đó đã được Nguyễn Văn Vĩnh và một số trí thức cùng thời với ông đặt nền tảng vững chắc với việc đại chúng hóa chữ Quốc ngữ, biến nó thành công cụ phổ biến để mọi người dân đều có thể tiếp cận tri thức và nâng tầm văn hóa của mình.

Những tranh cãi xung quanh Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí

Nguyễn Văn Vĩnh là một người có quan điểm chính trị rõ ràng và xét trên một phương diện nào đấy, có thể xem ông như một chính khách. Ông cực lực bài bác chế độ phong kiến thời bấy giờ và cho rằng, thà chấp nhận chế độ trực trị của Pháp để thụ hưởng những quyền tự do, dân chủ nhất định và từng bước thay đổi xã hội, còn hơn tiếp tục nuôi dưỡng những giá trị đã quá lỗi thời và thối nát của triều đình nhà Nguyễn. Va chạm với tính khách quan của báo chí, những biểu hiện về quan điểm chính trị của ông trên Đông Dương tạp chí đã gặp phải không ít chỉ trích đương thời cũng như giới nghiên cứu sau này.

Theo GS. Nguyễn Văn Trung, “ngôn ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh, không những không tranh thủ được ai, đặc biệt giới sĩ phu, mà còn gây thêm đố kị, hận thù; Vĩnh tuyên truyền đề cao thực dân Pháp một cách quá lộ liễu, “gia nô” và mạt sát nhà nho, giới sĩ phu thậm tệ, đặc biệt những người làm cách mạng. Khi Đông Dương tạp chí vừa ra đời đã lớn tiếng chửi những chiến sĩ mưu sát, ném bom tại khách sạn Hà Nội giết hại mấy sĩ quan Pháp (26/4/1913) là “lũ sài lang, đồ dối tra, đồ vô học, dùng chước ăn mày” và hăm dọa nếu bắt được thì bỏ dọ lăn sông”. (2)

Bình luận về vấn đề này, GS. Dương Trung Quốc cho rằng, “Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút. Ông bị can dự nhiều nội dung của Đông Dương tạp chí. Ông ấy là người gắn kết với tờ báo thì có thể phần nào liên quan đến”.

“Bây giờ nói chuyện đưa văn hóa phương Tây vào Việt Nam thì đơn giản. Nhưng cái khó khăn lớn nhất không phải chỉ là vượt qua hàng rào ngôn ngữ, mà là trong con mắt người Việt Nam, phương Tây là chủ nghĩa thực dân, là kẻ thù”.

“Nhưng ông (Nguyễn Văn Vĩnh – TG) là người có đủ tầm nhìn và dũng cảm vượt qua mặc cảm xã hội để chứng minh rằng bản thân nước Pháp là một nền văn minh, còn chủ nghĩa thực dân là một sản phẩm mang tính lịch sử. Những nhà cách mạng Việt Nam, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là người vượt qua được cái ngưỡng đó, nhìn thấy nước Pháp là quê hương của cách mạng tư sản với lý tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Sau này rất nhiều sự đánh giá của giới sử học Việt Nam sơ cứng vì quan điểm dân tộc và giai cấp lên án ông ấy rất nhiều vì cái này” –  GS. Dương Trung Quốc nói.

Sau cùng, có thể nói rằng, người Pháp có thể nhìn thấy lợi ích của họ trong việc Nguyễn Văn Vĩnh truyền bá văn hóa, tư tưởng phương Tây vào Việt Nam thông qua những tờ báo như Đông Dương tạp chí, nhưng xuyên suốt sự nghiệp của mình, ông tỏ ra là một người luôn nhìn về một mục đích là truyền bá nền văn minh phương tây như một nền văn minh mà chúng ta phải học hỏi trên con đường duy tân đất nước. Xét theo góc nhìn này, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực sự là người đu dây giữa những trào lưu lịch sử để tìm một khe cửa hẹp cho dân tộc lách qua.

Chú thích:

(1) Chuyện về người con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh – Văn nghệ trẻ, số 6,7,8 xuân Đinh Hợi 2007.

(2) Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí – Tạp chí điện tử Hồn Việt http://honvietquochoc.com.vn/Dien-dan-Trao-doi/Trao-doi-y-kien/Nguyen-Van-Vinh-va-Dong-Duong-tap-chi.aspx

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân