Cần có nhiều công bố quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông

Năm qua, chủ quyền của từng quốc gia ở Biển Đông trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng của khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học về chủ quyền biển đảo đã trở nên sôi động hơn và đạt được một số thành tựu dù chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với TS Lê Vĩnh Trương và nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc về vấn đề này.

* Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương (thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông)

Xin ông cho biết một cách khái quát hoạt động nghiên cứu chủ quyền Biển Đông trong năm 2011? 

Hoạt động nghiên cứu biển đảo trong năm 2011 đã có bước chuyển biến rất lớn trong phạm vi Quỹ nghiên cứu Biển Đông (QNCBĐ) cũng như trong cộng đồng các giới Việt Nam. Riêng QNCBĐ đã có trên 100 bài viết trên các báo trong nước và một số bài báo trên các báo Asia Times, Asia Sentinel, Diplomat, Manila Times. Cùng với sự có mặt mạnh mẽ của các trang nghiencuubiendong.vn thuộc Học viện Ngoại giao, VietNamNet, biengioilanhtho.vn,… đã mang lại nhiều thông tin bổ ích cho độc giả quan tâm trên báo mạng. 

Ngoài ra những ngày cuối năm 2011, những trí thức Việt kiều như TS Lê Văn Út (Phần Lan), GS Phạm Quang Tuấn và GS Nguyễn Văn Tuấn (Australia) cũng đã có những thư phản kháng khiến các tạp chí Nature và Science (có uy tín lớn) đã bác bỏ việc ngầm phổ biến đường chữ U trên tạp chí quốc tế. Song việc này cần tiếp nối bền bỉ và vĩnh viễn, không thể ngày một ngày hai được.       

Có ý kiến cho rằng sự tham gia của các trí thức Việt Nam trong và ngoài nước trên các tạp chí khoa học quốc tế là khá đáng kể, tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở việc phản đối các thông tin sai trái về chủ quyền của chúng ta. Ý kiến của ông về vấn đề này? 

Trong thời gian qua, vài trí thức Việt đã có những phản biện kịp thời đối với các giọng điệu tuyên truyền sai trái của Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa. Trí thức Việt trong và ngoài nước đã gửi thư phản đối những nơi có “đường lưỡi bò” xuất hiện và đã mang lại một số kết quả to lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có nhiều công bố khoa học hay bài viết về chủ quyền trên Biển Đông trên các tạp chí khoa học hay báo quốc tế. Rất mong các cơ quan khoa học cũng như các nhà khoa học trong nước lưu tâm hơn về vấn đề này.  

Theo ông, hoạt động nghiên cứu về chủ quyền Biển Đông năm 2011 có điểm gì nổi bật? 

Mạnh mẽ hơn, lan tỏa hơn và nhiều người góp mặt hơn so với năm 2010, đặc biệt sau sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh 2 (26/5/2011) và Viking II (9/6/2011). Giới nghiên cứu trong và ngoài nước từ bấy lâu nay âm thầm làm việc đã viết và đăng nhiều bài có tính khoa học cao, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và kiến thức cho đông đảo người đọc.  Hoạt động nghiên cứu đã khởi sắc hơn với nhiều cuộc hội thảo được tổ chức bên ngoài nước, quy tụ được đông đảo các nhà nghiên cứu đến từ các quốc gia khác nhau có quan tâm đến tranh chấp Biển Đông. Tại các cuộc hội thảo này học giả Trung Quốc không còn nêu lên quan điểm “lợi ích cốt lõi” mà chuyển hướng trọng tâm sang bàn về khía cạnh cùng hợp tác khai thác tài nguyên tại khu vực như đánh bắt cá, quan điểm của Trung Quốc vẫn là song phương bẻ gãy từng chiếc đũa trong bó đũa. 

Các nhà xuất bản trong nước như NXB Lao Động, NXB Trẻ đã có nhiều đầu sách hay giúp cho độc giả tìm hiểu thêm về kiến thức đặc biệt trong hoàn cảnh này. Chúng tôi cho rằng cần phải có thêm nhiều sách giấy hơn nữa, viết phổ thông hơn nữa để nhân dân Việt Nam ở các vùng sâu vùng xa đều có kiến thức và tự hào về công cuộc khai khẩn và bảo vệ biển đảo Việt Nam.    

Năm 2012, chúng ta cần tập trung vào nghiên cứu những vấn đề gì? 

Trong khuôn khổ QNCBĐ, chúng tôi được đề nghị tìm viết và nghiên cứu các án lệ của tòa án quốc tế về các tranh chấp biển, đảo và đất, các cách thức đấu tranh bằng biện pháp hòa bình. 

Chúng tôi cũng cố gắng xuất bản một số đầu sách giấy và điện tử, gia tăng tham dự các hội thảo để tìm kiếm thông tin và nâng cao sức mạnh mềm cho Việt Nam.  

Nhóm bút chiến Trúc Nam Sơn của QNCBĐ vẫn làm công việc bền bỉ là comment (bình luận) trên các diễn đàn tiếng Anh để đưa ra cái nhìn khoa học, duy lý, bảo vệ chính nghĩa Việt Nam.  

Ngoài ra, viết bài cho báo tiếng Anh và dịch các bài có giá trị học thuật cao sang tiếng Anh cũng là một ưu tiên của chúng tôi. 

Chúng tôi cũng nỗ lực kết hợp với các trí thức Việt kiều uy tín ngoài nước để có những hoạt động bảo vệ chủ quyền Việt Nam bằng các bài phản biện với các trí thức phương Tây vẫn còn đang mù mờ trước làn sóng phủ thông tin một chiều rộng rãi nhưng sai lệch của trí thức và chính giới Trung Quốc.   

Xin cảm ơn ông!

* Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc (Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh) 

Ông đánh giá như thế nào về các cuộc hội thảo về Biển Đông được tổ chức trong và ngoài nước trong năm 2011? 

Tháng 10/2011, Hội thảo quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông với chủ đề “Con đường tiến tới hòa bình, ổn định và phát triển” đã diễn ra tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, hay trước đó vào tháng 5/2011, Hội thảo quốc tế “Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông” tại Jakarta (Indonesia) do Trung tâm Habibie của Indonesia và Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ phối hợp tổ chức… 

Nhìn chung, phần lớn trọng tâm của các cuộc hội thảo này là nhằm khẳng định việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải với “Đường 9 điểm” trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp với luật pháp quốc tế và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích chứ tôi chưa thấy có nhiều những phát hiện mới trong việc củng cố chứng cứ cho chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa. 

Nếu nội dung thứ nhất đã được đề cập là thắng lợi của giới ngoại giao thì nội dung thứ hai theo tôi là sự giậm chân tại chỗ của giới sử học Việt Nam.   

Theo ông, các kết quả nghiên cứu khoa học về chủ quyền Biển Đông hiện nay đã đủ để Việt Nam bảo vệ được lập trường của mình trong các tranh chấp chưa? 

Tài liệu lịch sử về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa không thiếu nhưng nó đã được chuyển hóa thành hồ sơ pháp lý chưa thì đây mới là một vấn đề quan trọng. Vì vậy, theo tôi việc xây dựng một bộ hồ sơ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa không thể chậm trễ. 

 Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng, số Xuân 2012. 

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân