Chuyện làng, chuyện nước
Mỗi lần về quê, việc đầu tiên tôi làm bao giờ cũng là qua thăm bà. Bà ở với chú út, trong một căn nhà ngói giản dị vườn tược bốn mùa xanh tươi và cây nhãn xum xuê đầu cổng. Tuổi thơ của tôi đã đi qua trên tay bà, qua làn gió nhẹ từ chiếc quạt mo của bà, qua tiếng võng kẽo kẹt mỗi trưa hè bà đu đưa, hay qua những mùa nhãn sai quả bà í ới gọi lũ trẻ trèo hái. Êm đềm và đẹp đẽ.
Tôi cũng đi tìm lại những cảm xúc cũ kỹ bằng việc cõng mấy đứa cháu nhỏ xuống cánh đồng làng, cách đó vài chục bước chân. Có lẽ từ lần đầu tiên tôi xuống đồng, cảnh vật nơi đây chưa một lần thay đổi. Có chăng chỉ là cái cầu nhỏ dẫn qua kênh được xây lại, hay con đường đất lụa được rải một lớp đá vụn lên. Đó là nơi tôi đã ngồi rất nhiều buổi bình minh để ngắm mặt trời từ từ nhô lên từ rặng núi xa mờ trong sương sớm, hình dung khoảng cách vĩ đại từ mặt trời đến trái đất và nuôi dưỡng những mơ ước đầu tiên.
Cho đến khi tôi thực sự nhận ra rằng đó là cách tốt nhất để tôi giữ được mối liên hệ với tuổi thơ của mình thì bà tôi đã rất yếu, và cánh đồng làng cũng sắp không còn nữa.
Nghe đâu, một vị quan to đã quyết định mở một con đường nhựa chạy về quê ông, cắt ngang qua cánh đồng và mang theo nó những dự án có mùi bê-tông. Một nửa cánh đồng sẽ bị khai tử và không ai dám chắc cho số phận của nửa còn lại.
Bố tôi bảo, thế còn gì là làng.
Nhớ có dạo, tôi cứ bị ám ảnh vì những bài hát của Lê Minh Sơn, mà phải do chính Lê Minh Sơn hát tôi mới nghe. Có lẽ chỉ có chính cái người bước ra từ làng quê, mới đủ độ mộc, độ sâu lắng để hát về làng quê. Chỉ có điều, tôi bị ám ảnh bởi cái sự đau đớn, lúc thiết tha, lúc quằn quại trong những lần Lê Minh Sơn hát về quê anh. Nào là “bên cạnh làng tôi, đất bán hết rồi”, nào là “ngực cau nhu nhú đã vội đi xa”, rồi nào là “còn những người vợ làm dâu xứ người” (*), v.v… Người làng quê giờ đây làm công nhân ở những nhà máy tọa lạc trên mảnh đất mà xưa kia họ và cha ông họ từng cần mẫn cấy cày. Trai làng giờ bỏ đi làm ăn xa xứ. Gái làng đi làm ô-sin, có khi ở tận những xứ sở mà trước đó họ chỉ biết trên TV, đa phần qua những phim bộ. Rồi thi thoảng, báo đài lại hoảng hốt đưa tin họ bị ức hiếp, chà đạp, hành hung mà không ai làm gì được để cứu họ. Người làng quê giờ đây, thay vì cày, bừa, cấy, hái lại lang thang ra thành phố làm lao động phổ thông, tụ tập lại ở những nơi mà người ta gọi là “chợ lao động”. Tối về, họ chen nhau ngủ trong những túp lều tạm bợ với hy vọng mong manh ngày mai sẽ nhiều việc hơn.
Cách đây chừng một năm, anh bạn tôi, vốn là một nhiếp ảnh gia, khoe với tôi bộ ảnh anh mới chụp với một tâm trạng hơi khác thường. Làng cổ Cự Đà (Hà Tây cũ) hiện ra trong ảnh anh chụp với những ngôi nhà cổ, với màu vàng đặc trưng của những phên miến không thể lẫn với một làng nào khác ở Việt Nam. Ảnh của anh đẹp, tất nhiên anh vui. Nhưng anh sẽ không có cơ hội vui lại lần nữa bởi ngay sau chuyến đi ấy, người dân Cự Đà đã đập đi những ngôi nhà cổ hàng trăm năm để xây nhà cao tầng, nom có vẻ khang trang, đẹp đẽ. Cũng không ai còn đoái hoài đến nghề làm miến nữa. Số tiền hàng tỷ đồng mà mỗi gia đình ở đây nhận được từ chính sách đền bù đất nông nghiệp đủ để cuộc sống của họ thay đổi đến không thể nhận ra.
Số phận của nhiều ngôi làng ở quê lụa dọc đường cao tốc Láng – Hòa Lạc thậm chí còn bi đát hơn, khi cư dân tại đây buộc phải tìm cho mình một nơi ở mới và nhường những cánh đồng, những đền, chùa, miếu mạo cho không ít dự án sôi động đang mọc lên ở đây. Ba năm trước, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất hãy còn là một làng quê khá yên ả. Nhưng khi tôi theo một đoàn sinh viên tình nguyện của trường Luật đến đây thì nội dung được đề nghị tư vấn nhiều nhất lại là chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Giờ đây, Google trả về hàng nghìn bản tin rao bán đất đai với từ khóa mang tên xã này.
Tôi không nghĩ có ai lại nghi ngờ về sức tàn phá khủng khiếp mà cơn sóng thần đô thị hóa gây ra cho những làng xã Việt Nam. Trong các bản thuyết minh hay videoclip giới thiệu về những dự án khu đô thị mới, các chủ đầu tư thường cố lồng những lời lẽ thật hay ho về truyền thống văn hóa địa phương như để chứng minh cho tính kế thừa mà họ rất muốn khách hàng tin rằng họ có. Nhưng khách hàng của họ cũng thật thông minh khi không để tâm đến điều đó, bởi họ biết những ông chủ đầu tư này chính là kẻ đã và sẽ giết chết truyền thống ấy bằng việc chôn tất cả những điều hoa mỹ họ nói xuống dưới những lớp bê-tông cao ốc.
Giờ đây mỗi lần về quê, tôi vẫn cõng những đứa cháu nhỏ xuống đồng vào mỗi buổi chiều tà. Chỉ khác một điều là tôi nán lại ở đó lâu hơn, như để cố vớt vát chút mảnh hồn làng, trước khi quá muộn.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Lời các ca khúc “À í a”, “Làng tôi còn nghèo” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Kỳ Long, từ Hà Nội
Bài đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới. Đây là bài viết đầu tiên của tôi được đăng trên một tờ báo. Xin cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Linh!
Tôi cũng đi tìm lại những cảm xúc cũ kỹ bằng việc cõng mấy đứa cháu nhỏ xuống cánh đồng làng, cách đó vài chục bước chân. Có lẽ từ lần đầu tiên tôi xuống đồng, cảnh vật nơi đây chưa một lần thay đổi. Có chăng chỉ là cái cầu nhỏ dẫn qua kênh được xây lại, hay con đường đất lụa được rải một lớp đá vụn lên. Đó là nơi tôi đã ngồi rất nhiều buổi bình minh để ngắm mặt trời từ từ nhô lên từ rặng núi xa mờ trong sương sớm, hình dung khoảng cách vĩ đại từ mặt trời đến trái đất và nuôi dưỡng những mơ ước đầu tiên.
Cho đến khi tôi thực sự nhận ra rằng đó là cách tốt nhất để tôi giữ được mối liên hệ với tuổi thơ của mình thì bà tôi đã rất yếu, và cánh đồng làng cũng sắp không còn nữa.
Nghe đâu, một vị quan to đã quyết định mở một con đường nhựa chạy về quê ông, cắt ngang qua cánh đồng và mang theo nó những dự án có mùi bê-tông. Một nửa cánh đồng sẽ bị khai tử và không ai dám chắc cho số phận của nửa còn lại.
Bố tôi bảo, thế còn gì là làng.
Nhớ có dạo, tôi cứ bị ám ảnh vì những bài hát của Lê Minh Sơn, mà phải do chính Lê Minh Sơn hát tôi mới nghe. Có lẽ chỉ có chính cái người bước ra từ làng quê, mới đủ độ mộc, độ sâu lắng để hát về làng quê. Chỉ có điều, tôi bị ám ảnh bởi cái sự đau đớn, lúc thiết tha, lúc quằn quại trong những lần Lê Minh Sơn hát về quê anh. Nào là “bên cạnh làng tôi, đất bán hết rồi”, nào là “ngực cau nhu nhú đã vội đi xa”, rồi nào là “còn những người vợ làm dâu xứ người” (*), v.v… Người làng quê giờ đây làm công nhân ở những nhà máy tọa lạc trên mảnh đất mà xưa kia họ và cha ông họ từng cần mẫn cấy cày. Trai làng giờ bỏ đi làm ăn xa xứ. Gái làng đi làm ô-sin, có khi ở tận những xứ sở mà trước đó họ chỉ biết trên TV, đa phần qua những phim bộ. Rồi thi thoảng, báo đài lại hoảng hốt đưa tin họ bị ức hiếp, chà đạp, hành hung mà không ai làm gì được để cứu họ. Người làng quê giờ đây, thay vì cày, bừa, cấy, hái lại lang thang ra thành phố làm lao động phổ thông, tụ tập lại ở những nơi mà người ta gọi là “chợ lao động”. Tối về, họ chen nhau ngủ trong những túp lều tạm bợ với hy vọng mong manh ngày mai sẽ nhiều việc hơn.
Cách đây chừng một năm, anh bạn tôi, vốn là một nhiếp ảnh gia, khoe với tôi bộ ảnh anh mới chụp với một tâm trạng hơi khác thường. Làng cổ Cự Đà (Hà Tây cũ) hiện ra trong ảnh anh chụp với những ngôi nhà cổ, với màu vàng đặc trưng của những phên miến không thể lẫn với một làng nào khác ở Việt Nam. Ảnh của anh đẹp, tất nhiên anh vui. Nhưng anh sẽ không có cơ hội vui lại lần nữa bởi ngay sau chuyến đi ấy, người dân Cự Đà đã đập đi những ngôi nhà cổ hàng trăm năm để xây nhà cao tầng, nom có vẻ khang trang, đẹp đẽ. Cũng không ai còn đoái hoài đến nghề làm miến nữa. Số tiền hàng tỷ đồng mà mỗi gia đình ở đây nhận được từ chính sách đền bù đất nông nghiệp đủ để cuộc sống của họ thay đổi đến không thể nhận ra.
Số phận của nhiều ngôi làng ở quê lụa dọc đường cao tốc Láng – Hòa Lạc thậm chí còn bi đát hơn, khi cư dân tại đây buộc phải tìm cho mình một nơi ở mới và nhường những cánh đồng, những đền, chùa, miếu mạo cho không ít dự án sôi động đang mọc lên ở đây. Ba năm trước, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất hãy còn là một làng quê khá yên ả. Nhưng khi tôi theo một đoàn sinh viên tình nguyện của trường Luật đến đây thì nội dung được đề nghị tư vấn nhiều nhất lại là chính sách đền bù giải phóng mặt bằng. Giờ đây, Google trả về hàng nghìn bản tin rao bán đất đai với từ khóa mang tên xã này.
Tôi không nghĩ có ai lại nghi ngờ về sức tàn phá khủng khiếp mà cơn sóng thần đô thị hóa gây ra cho những làng xã Việt Nam. Trong các bản thuyết minh hay videoclip giới thiệu về những dự án khu đô thị mới, các chủ đầu tư thường cố lồng những lời lẽ thật hay ho về truyền thống văn hóa địa phương như để chứng minh cho tính kế thừa mà họ rất muốn khách hàng tin rằng họ có. Nhưng khách hàng của họ cũng thật thông minh khi không để tâm đến điều đó, bởi họ biết những ông chủ đầu tư này chính là kẻ đã và sẽ giết chết truyền thống ấy bằng việc chôn tất cả những điều hoa mỹ họ nói xuống dưới những lớp bê-tông cao ốc.
Giờ đây mỗi lần về quê, tôi vẫn cõng những đứa cháu nhỏ xuống đồng vào mỗi buổi chiều tà. Chỉ khác một điều là tôi nán lại ở đó lâu hơn, như để cố vớt vát chút mảnh hồn làng, trước khi quá muộn.
Ghi chú (của NCTG):
(*) Lời các ca khúc “À í a”, “Làng tôi còn nghèo” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Kỳ Long, từ Hà Nội
Bài đăng trên Nhịp Cầu Thế Giới. Đây là bài viết đầu tiên của tôi được đăng trên một tờ báo. Xin cảm ơn anh Nguyễn Hoàng Linh!
Comments
Post a Comment