Nên làm gì nếu là Dương Tự Trọng?

Ranh giới hợp lý giữa pháp luật và đạo đức gia đình trong vụ Dương Tự Trọng có lẽ nên là sự im lặng của Trọng trước lời cầu cứu của Dương Chí Dũng, chứ không phải là việc Trọng làm giả hồ sơ và tổ chức cho Dũng chạy trốn (ngay cả khi Trọng đã biết có quyết định khởi tố bị can với Dũng). Pháp luật không nên đòi hỏi Trọng phải tố cáo Dũng và nên tôn trọng sự im lặng của Trọng, như một cách tôn trọng những giá trị đạo đức căn bản nhất của một gia đình. Nhưng mặt khác phải nghiêm khắc với hành vi tiếp tay cho tội phạm, bất kể họ là anh em ruột của nhau. 

Nhiều người bênh vực và có cảm tình với Trọng, coi Trọng như một hình mẫu đại trượng phu, hảo hán. Họ chỉ bênh vực và có cảm tình được, chừng nào họ là người ngoài cuộc, hoặc được hưởng lợi từ sự vi phạm pháp luật của Trọng. Còn nếu họ là nạn nhân của hành vi "hảo hán" đó, họ sẽ coi Trọng là kẻ thù truyền kiếp. Ví dụ: Hùng bị Dũng trộm 1 tỷ đồng, Hùng báo công an khởi tố Dũng, Trọng là em trai của Dũng liền giúp Dũng trốn đi cùng với số tiền đó. Hỏi: Hùng có thể coi Trọng là hảo hán, đại trượng phu không? Câu trả lời là không. Đối với Hùng, Trọng là thằng khốn nạn và đê tiện nhất trên đời.

Nếu một xã hội ủng hộ và khuyến khích hành vi của Dương Tự Trọng dựa trên những lập luận về đạo đức gia đình, ngay cả khi họ nhận thức đầy đủ rằng đó là hành vi phạm tội, thì nhà nước pháp quyền chỉ là một tương lai xa vời vợi, nếu không muốn nói là một khái niệm giẻ rách. Nền tảng tâm lý xã hội đó là mảnh đất không thể màu mỡ hơn cho luật rừng vươn cành bám rễ.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân