Bố tôi, anh bán tào phớ, và tôi

Dạo này, thi thoảng tôi rất nhớ một anh bán tào phớ ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, đối diện Nhà xuất bản Giáo dục và ngay gần cổng tạp chí Tia Sáng. Khi còn là phóng viên ở đây năm 2012, tôi hay gặp anh vào những giờ cơm trưa. Anh có một chiếc xe đạp, chở một thùng tào phớ đằng sau và đứng cố định một chỗ. Anh luôn đội một chiếc mũ cối xanh, quần âu, áo sơ mi cũ dài tay bỏ ngoài quần và đi dép lê trắng. Rất tề chỉnh. Anh bán tào phớ này khoảng 30 tuổi, dáng người hơi đậm, khuôn mặt anh rất phúc hậu với đôi mắt sáng. Mỗi lần có khách đến, anh luôn cười nhẹ nhàng và phục vụ rất tận tụy. Không gì giấu được sự lam lũ của anh. 

Tôi không thể quên được những ngày cuối xuân năm đó, khi tiết trời vẫn còn se lạnh và nắng vừa trở lại trên những hàng cây, dáng anh cần mẫn bên thùng tào phớ khiến cho bất cứ ai cũng có thể cảm thấy những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt lam lũ này. Một vài lần ăn trưa xong, tôi gọi một ly nước rẻ tiền nhất của quán café gần đó, lặng lẽ nhìn anh cho đến giờ làm việc buổi chiều. 

Tất cả những gì anh gợi lên trong tôi là hình ảnh của bố tôi. 

Tôi không biết mắt mình đã nhòe đi bao nhiêu lần trong những buổi trưa đó. Nắng nhè nhẹ. Gió nhè nhẹ. Có lẽ đủ ru hồn người vào những gì sâu thẳm nhất. Tôi thực sự nhớ về bố tôi, khi tôi còn niên thiếu, và khi bố cũng trạc tuổi anh bán tào phớ này.

Hồi đó cả xã hội đều nghèo. Cuối những năm 80, đầu những năm 90, ít ai dư dả. Những bộ quần áo của bố đều cũ. Đôi dép bố đi cũng cũ, sờn rách. Nhưng trông bố luôn luôn tề chỉnh. Và không gì giấu được sự lam lũ của ông. 

Có lần tôi lại gần anh bán tào phớ hỏi chuyện, mới biết, anh có một gia đình nhỏ ở phố Lò Đúc. Và xe tào phớ này, có lẽ đang giúp cho những đứa con nhỏ của anh lớn lên từng ngày, như bố mẹ tôi đã từng như vậy cách đây hơn 20 năm và nuôi nấng anh em tôi. 

20 năm, bắt gặp lại một sự lam lũ. Và ngay cả tôi khi đó, một phóng viên 26 tuổi, cũng lam lũ như vậy. 

Lần duy nhất tôi lại gần anh mua tào phớ, là lần duy nhất trong quãng thời gian đó tôi cảm thấy có vẻ đủ tiền để mua một thứ tôi không hề thích ăn. Phóng viên của một tạp chí nhỏ, nghèo, để tồn tại được về mặt sinh học ở cái đất thủ đô đắt đỏ ấy là một vấn đề không đơn giản. Nhất là khi ngân sách của tòa soạn chưa về và bị chậm lương một tháng, từng ngày cứ trôi qua một cách chậm chạp và nặng nề. 

Một buổi sáng lạnh giá và âm u, tôi chỉ còn 10 ngàn đồng trong túi để đi làm, đủ cho hai lượt xe bus, đi và về. Xách cặp đi bộ ra bến xe, tôi cảm thấy đầu óc mình đã bắt đầu lãnh cảm với những nỗi lo đang chờ mình trong suốt một ngày. Bất ngờ, một cậu bé chừng 14-15 tuổi, quần áo xộc xệch, thút thít tiến lại gần tôi và ngửa tay xin tôi 10 ngàn đi xe bus. Tôi lặng đi. Đúng 10 ngàn đồng. Đến giờ nghĩ lại tôi vẫn day dứt vì sau một khoảnh khắc lặng người, tôi cảm thấy như mình đang đứng trong không trung và gần như thều thào với cậu bé: Anh cũng chỉ còn đúng 10 ngàn đi xe bus. Cậu bé quay đi và nức nở: Trời ơi, làm sao mà về nhà được đây. Trong đầu tôi lập tức hiện lên rất nhiều thứ, rằng chắc chắn sẽ có ai đó đi đường giúp được cho cậu ấy, rằng sao mình không vào cửa hàng nào đó đổi tờ 10 ngàn đồng thành hai tờ 5 ngàn đồng và đưa cho cậu bé một tờ, rằng bây giờ sáng sớm vào cửa hàng người ta đổi tiền người ta chửi chết, rằng nếu mình không đến tòa soạn thì thủ trưởng sẽ giận dữ thế nào,...

Tôi nhìn cậu bé đi xa dần trong tiếng khóc nức nở và không đưa ra một quyết định nào. Hay nói cho chính xác thì sau đó tôi đã quyết định quay đi và nhanh chóng tiêu hết một nửa số tiền đang có cho một tấm vé xe bus đến cơ quan. Tôi ước gì có thể trở lại thời điểm đó để đưa tờ 10 ngàn đồng cho cậu bé xa lạ. Hoàn cảnh trong những ngày khốn khó giúp tôi nhìn rõ phần bản năng ích kỷ trong con người mình, để biết rằng mình cũng thuộc về những người mà mình đôi khi lên án. 

Tôi thương bố tôi, thương cả anh bán tào phớ, thương những đứa trẻ. Và thương cho cái tình yêu trong sự lam lũ tưởng như dài bất tận. 

"Thường trong nhiều câu chuyện
Bố vẫn nhắc về con
Bố mới mua chiếc chăn
Dành riêng cho con đắp
Áo con bố đã giặt
Thơ con bố viết rồi..."

(Xuân Quỳnh, 1-1975)

Comments

  1. Đọc bài này buồn quá :(

    Mình cũng nhớ những mùa xuân lam lũ của nghề báo :(

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thời em giờ chắc mọi thứ đã khá hơn chút. Không biết các bác ngày xưa còn lam lũ cỡ nào nhỉ, chẹp chẹp.

      Delete

Post a Comment

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân