Đảng cộng sản Việt Nam và công cuộc Đổi màu

Nguồn ảnh: Internet. 

Lời bình cho ảnh:

Độc quyền kinh tế thì nhà sản xuất không cần quan tâm đến người tiêu dùng. Độc quyền chính trị thì nhà chính trị không cần quan tâm đến cử tri. 

Xét về khoản này thì chính trị Việt Nam lạc hậu hơn nền kinh tế ít nhất 27 năm, bởi nền kinh tế đã được phi độc quyền hoá từ năm 1986, còn chính trị thì không. Đêm trước Đổi mới người ta chỉ nghe thấy tiếng sôi từ những cái bụng đói, còn bây giờ người ta nghe thấy một thứ tạp âm, phức tạp hơn đêm trước Đổi mới rất nhiều, trong khi chiếc áo Đổi mới đã quá chật. 

Các nhà lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam có truyền thống thích ứng với các sự vụ khá tốt. Lịch sử hơn 80 năm của họ thực chất là lịch sử liên tục đổi màu về cương lĩnh chính trị để thích ứng với các sự vụ và cho đến nay họ vẫn thành công trong việc duy trì vai trò lịch sử của mình, cho dù chất lượng sự cầm quyền của họ không thể nói là tốt. 

Một khi họ đã dám từ bỏ các nguyên lý kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để theo đuổi kinh tế thị trường bằng cách giải thích lại chủ thuyết đó như một sự "vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới", thì không có lý do gì mà họ không dám từ bỏ những giáo điều độc quyền chính trị còn lại, cho dù bằng cách "xét lại" hay là "giải thích lại" đi chăng nữa. 

Nếu Đảng cộng sản vẫn phát huy được truyền thống đổi màu của mình, thì các phong trào xã hội ở Việt Nam sẽ chỉ đóng vai trò là các con sóng để các chính trị gia thức thời trong Đảng cưỡi lên. Nhiều người không chấp nhận phương án mà họ cho là thoả hiệp và cải lương mang tên "cải cách chính trị", nhưng đó vẫn là khả năng chuyển đổi lớn nhất tính đến thời điểm này. Các phong trào xã hội ở Myanmar quyết liệt, táo bạo, dai dẳng và mất mát lớn hơn Việt Nam rất nhiều, và cái họ đạt được vẫn không phải sự lên ngôi của các lãnh tụ đối lập, mà là sự đổi màu của chính quyền quân sự. 

Dĩ nhiên, "Đổi màu" chỉ xảy ra nếu thực sự có kẻ thức thời trong Đảng và nền kinh tế chưa be bét đến mức đẩy người dân đến chỗ phải "nổi can qua". Và điều quan trọng nữa là, không thể không có những con sóng.

Comments

Post a Comment

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân