Tích tụ đất đai - không còn là lúc để lo ngại

Tích tụ đất đai đang là một thực tế phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước, khi nhu cầu sản xuất nông nghiệp đã vượt quá chiếc áo hạn điền mà pháp luật về đất đai đang áp dụng. Thực tế này khiến nhiều người lo ngại về sự hình thành một giai cấp địa chủ mới, trong khi những người mang giấc mơ đại điền phải thất vọng. Tia Sáng đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh để làm rõ các khía cạnh của vấn đề này.

Tích tụ đất đai là thực tế phổ biến

Hiện nay ở nông thôn Việt Nam đang diễn ra quá trình tích tụ đất đai vào một số nông dân có tiềm lực. Xin ông cho biết trong lịch sử Việt Nam đã từng diễn ra một quá trình nào tương tự hay chưa? 

Tích tụ ruộng đất là một quá trình có thật từng diễn ra trong sản xuất nông nghiệp trên toàn thế giới chứ không riêng gì ở Việt Nam. Nếu chỉ giới hạn trong phạm vi sản xuất nông nghiệp  nói chung đó là một chỉ báo về sự phát triển của sức sản xuất. Kinh tế nông nghiệp phát triển tới chỗ sản xuất hàng hóa thì đó là giải pháp đầu tiên đảm bảo cho sự phát triển của nó. Cho nên việc tích tụ đất đai không chỉ thể hiện sự phát triển của nông nghiệp mà còn thể hiện sự phát triển về kinh tế, không chỉ là một quá trình kinh tế mà còn là một quá trình xã hội phức hợp. Chẳng hạn sau 1954, cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã mở ra một quá trình tích tụ ruộng đất mới gắn liền với những hình thức sở hữu ruộng đất phổ biến mới bên cạnh hàng loạt quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội mới ở nông thôn. Nhưng nếu việc tích tụ đất đai không dựa trên sự phát triển sức sản xuất và nhằm đáp ứng các nhu cầu sản xuất, tức mang các yếu tố phi kinh tế thì trước sau gì cũng để lại những vấn đề kinh tế – xã hội nào đó về lâu dài. 

Vậy theo ông, tích tụ đất đai có phải là tất yếu không?

Nói tất yếu hay không thì phải nhìn vào chuyện nhu cầu, không có nhu cầu thì không phải là tất yếu. 

Mâu thuẫn xã hội trong lĩnh vực kinh tế phát sinh ở ba phương diện, bao gồm việc chiếm hữu tư liệu sản xuất, sự phân công trong hoạt động sản xuất và sự phân chia lợi nhuận sản xuất. Xã hội loài người đi lên từ sản xuất nông nghiệp, trong hoàn cảnh kỹ thuật lạc hậu thì việc chiếm hữu tư liệu sản xuất là cái quyết định sự sống còn và phát triển, sở hữu và tích tụ ruộng đất là nhu cầu nên là tất yếu. 

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa trước Chiến tranh Thế giới thứ I, kinh tế hàng hóa mà đại diện là nền sản xuất công nghiệp phát triển hơn tuy kỹ thuật còn chưa cao, việc chiếm hữu tư liệu sản xuất không quan trọng bằng sự phân công trong hoạt động sản xuất và nhất là sự phân chia lợi nhuận sản xuất, mâu thuẫn xã hội thể hiện tập trung ở cuộc đấu tranh giữa công nhân và tư bản chung quanh các vấn đề giờ làm, lương bổng chứ không phải về quyền sở hữu các nhà máy, tình hình này cũng diễn ra ở các trang trại nông nghiệp tư bản chủ nghĩa. 

Trong các đồn điền cao su, cà phê ở Việt Nam trước 1945, công nhân không hề đấu tranh đòi chia chác đồn điền, tức việc chiếm hữu tư liệu sản xuất đã không còn là nhu cầu sống chết nữa. 

Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, khi tư bản tài chính từng bước thay thế tư bản công nghiệp, việc phân chia lợi nhuận sản xuất trở thành cái quyết định hiện trạng xã hội, nhiều trang trại nông nghiệp ở các nước phát triển với đội ngũ công nhân nông nghiệp đông đảo đã tồn tại trên cơ sở lương bổng và chế độ đãi ngộ, phúc lợi xã hội tương đối hợp lý. Dài dòng như thế để thấy cấu trúc kinh tế ở Việt Nam, tư duy kinh tế của con người Việt Nam hiện đang ở nấc thang nào của sự phát triển thôi.

Nhưng dù sao thì ở Việt Nam hiện nay nhu cầu sở hữu và tích tụ đất đai cũng là một thực tế nếu không phải tất yếu thì ít nhất cũng rất phổ biến. 


Cần có giải pháp thích ứng với thực tế thay vì lo ngại


Quá trình tích tụ đất đai ở Việt Nam hiện nay có đặc điểm gì nổi bật?
 

Ở nước ta hiện nay có hai dạng thức tích tụ đất đai khác hẳn nhau về nội dung và bản chất. 

Dạng thức thứ nhất tích tụ đất đai với tư cách là tư liệu sản xuất, nó phù hợp với sự phát triển của sức sản xuất và đáp ứng nhu cầu khách quan của xã hội, nói chung là lành mạnh vì trong thực tế nó gần như luôn ăn khớp với năng lực của những người chủ đất trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

Dạng thức thứ hai tích tụ đất đai với tư cách là hàng hóa, cũng là tất yếu xét từ góc độ cung cầu của thị trường nhưng nói chung không lành mạnh vì nó mang tính chất đầu cơ, căn bản không tạo ra công ăn việc làm, không góp phần làm gia tăng tổng sản phẩm xã hội. 


Không phân biệt rạch ròi hai dạng thức tích tụ đất đai này thì không thể có chính sách đất đai tối ưu.


Như vậy quá trình tích tụ đất đai ở Việt Nam hiện nay đang bộc lộ tính chất hai mặt của một vấn đề và có thể gây ra những hậu quả không mong muốn. Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận những hiệu ứng phát sinh từ quá trình này như thế nào và ông có dự liệu gì cho tương lai?


Thực tế lịch sử cho thấy ở nhiều nơi, nhiều lúc, quá trình ấy rất khác nhau về nội dung và tính chất, hình thức và quy mô. Những điều đó phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế và kỹ thuật, xã hội và pháp lý rất cụ thể. Ví dụ sau khi phong trào vũ trang chống Pháp ở Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX thất bại, ruộng đất của nhiều chủ đất yêu nước bị tịch thu và trở thành sở hữu của một số người theo Pháp, quá trình tích tụ phi kinh tế ấy làm phát sinh nhiều mâu thuẫn xã hội. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, những địa sản lớn ấy lại phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế sản xuất hàng hóa, tức có tác động tích cực khách quan tới sự phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương. Hay trong bối cảnh kinh tế nông nghiệp hàng hóa ở Nam Bộ trước 1954 mà sở hữu 30 hecta ruộng thì chưa là cái gì nhưng ở miền Bắc thì một địa sản như thế đủ cho cả chục gia đình bị quy vào thành phần địa chủ trong cải cách ruộng đất sau 1954 rồi. Cách nhìn nhận việc tích tụ ruộng đất do đó còn bị chi phối bởi môi trường kinh tế, nhận thức kinh tế cụ thể của những người nhìn nhận nữa. 

Quá trình tích tụ đất đai không bao giờ tách rời với nhiều quá trình xã hội khác, nên không thể tóm tắt hiệu quả hay hậu quả kinh tế - xã hội của nó trong một mệnh đề. Phải phân tích, tìm hiểu từng trường hợp cụ thể với các yếu tố có liên quan mới có thể trả lời được. Ví dụ nhiều người vẫn nói tích tụ đất đai dẫn tới sự phân hóa xã hội, kéo rộng khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn, nhưng các xã hội du mục hay du canh du cư không đặt nặng vấn đề sở hữu đất đai cũng có sự phân hóa giàu nghèo, mặt khác bản thân khoảng cách giàu nghèo lại là một động lực phát triển vì nó kích thích xã hội phấn đấu san bằng khoảng cách ấy. Khi nào có nhiều người nghèo không sống nổi thì khoảng cách giàu nghèo mới trở thành tai họa, không thì sự khác biệt ấy căn bản không thể trở thành mâu thuẫn đối kháng trong sinh hoạt xã hội được. Dĩ nhiên nếu tích tụ đất đai nhằm đầu cơ trục lợi thì còn có tai họa khác, vì nó sẽ dẫn tới việc một bộ phận đất đai không được huy động vào thực tiễn sản xuất của xã hội, tóm lại là gây ra sự lãng phí tài nguyên đất đai.

Nói quá trình tích tụ đất đai ở Việt Nam hiện nay sẽ tạo ra một mặt bằng sở hữu ruộng đất mới, một số nông dân có nhiều ruộng hơn và nhiều nông dân không còn ruộng thì đúng. Nhưng nếu nói quá trình ấy nhất định sẽ đẩy nhiều nông dân nghèo ra khỏi ruộng đồng, đưa họ tới chỗ bị bần cùng hóa thì chưa chắc, vì chuyện đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chính sách kinh tế trong nông nghiệp, chính sách xã hội với nông dân. Lo ngại về một quá trình không thể ngăn cản thì thà suy nghĩ, dự liệu để giải quyết những kết quả bất lợi của nó còn hơn. 

Hai mươi năm qua rất nhiều nông dân không còn ruộng đã được đền bù thích đáng, nhưng nếu sớm lo ngại cho tương lai của họ với các chủ trương dạy nghề hướng nghiệp đi kèm với các biện pháp tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp phù hợp và nhất quán thì nhiều người đã không phung phí hết tiền rồi trở thành gánh nặng cho xã hội như hiện nay đâu. 


Hạn điền – cản trở chính với giấc mơ đại điền


Kể từ Luật Đất đai 1993 và sau này là Luật đất đai 2003 (hiện hành), chế độ hạn điền đã được áp dụng với việc hạn chế diện tích sử dụng đất, dẫn đến việc nông dân hiện nay đang canh tác trên những thửa ruộng rất manh mún. Lịch sử Việt Nam đã từng ghi nhận hiện tượng pháp lý nào tương tự hay chưa?


Ngoài vụ Hồ Quý Ly hạn điền hạn nô để làm suy yếu thực lực và vô hiệu hóa sự chống đối của tầng lớp quý tộc điền trang cuối thời Trần, các chính quyền ở Việt Nam từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc căn bản đều không có chính sách hạn điền, vì bất kể thế nào điều đó cũng ảnh hưởng bất lợi tới sản xuất nông nghiệp, vốn là cột trụ chủ yếu của kinh tế quốc gia thời trước.
 

Các chính quyền phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn đều có chính sách khuyến khích khẩn hoang để phát triển nông nghiệp, ai mộ được nhiều dân, khẩn được nhiều ruộng còn được phong thưởng ưu đãi này khác. Thời phong kiến tuy ở Trung Bắc có áp dụng chính sách quân điền, nhưng đó là giải pháp ngăn chặn nạn kiêm tính ruộng đất dẫn tới việc nông dân phiêu bạt làm lưu dân, giảm thiểu sức lao động trong nông nghiệp và bất lợi cho việc giữ gìn trật tự trị an. Mà nhìn từ góc độ lợi ích của chính quyền, thì chính sách quân điền còn có tác dụng ràng buộc nông dân vào với ruộng đất để tiện thu thuế thu lương, bắt phu bắt lính. 


Trong thời gian nửa đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn có lần kêu gọi các địa chủ lớn ở Gia Định – Nam Kỳ nhường bớt ruộng đất cho nông dân nghèo, cũng là nhằm vào những mục tiêu ấy. Chính quyền thuộc địa thời Pháp thuộc càng thực dụng hơn, ruộng đất nhiều thêm thì thuế ruộng đất cũng nhiều thêm, nông sản hàng hóa càng gia tăng thì số thu ngân sách về các khoản lưu thông xuất khẩu càng khả quan, họ không nhìn nhận vấn đề ruộng đất trên lập trường đạo đức hay công bằng xã hội thì cần gì hạn điền.
 

Với việc hạn chế diện tích sử dụng đất trong khi xu hướng phát triển nông nghiệp không thể tránh khỏi việc tập trung một diện tích ruộng đất lớn vào tay một số người để tiến hành sản xuất lớn, chính sách hạn điền đang tỏ ra là một cản trở đối với quá trình tích tụ đất đai? 


Đúng, nhưng còn phải xem đó là dạng thức tích tụ nào. Nếu đó là hành vi đầu cơ kiếm lợi qua một hàng hóa đặc biệt là ruộng đất thì hạn điền là công cụ chính sách cần thiết nhằm hạn chế những mâu thuẫn, biến động xã hội do việc đầu cơ đất đai, còn nếu đó là phục vụ việc tái cấu trúc kinh tế nông nghiệp thì hạn điền lại là chướng ngại pháp lý trên con đường hiện đại hóa kinh tế nông nghiệp nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. 


Từ cuối thế kỷ XIX đến 1945, chính quyền thuộc địa Pháp không đặt vấn đề hạn điền nên việc khẩn hoang ở miền Tây Nam Bộ mới tiến hành được mau lẹ như thế, kinh tế nông nghiệp ở Nam Bộ mới phát triển được theo hướng sản xuất hàng hóa thuận lợi như thế. Nhưng kinh tế thị trường có những bất trắc của nó, ví dụ khủng hoảng kinh tế sau Chiến tranh Thế giới thứ I khiến thị trường lúa gạo thế giới rơi vào cảnh đình đốn, nhiều địa chủ có vài ngàn hecta ruộng ở Nam Kỳ bị phá sản vì không trả được nợ cho Ngân hàng Đông Dương. Cho nên đặt vào bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay thì hạn điền cũng có thể có tác dụng giảm thiểu rủi ro cho người chủ đất, giúp họ tránh được lối đầu tư quá hớp hay ít an toàn. Nhưng như đã nói ở trên, quá trình tích tụ đất đai vốn đan xen và chuyển hóa với nhiều quá trình xã hội khác, nên chính sách hạn điền cũng như không hạn điền không có bao nhiêu tác dụng nếu không kết hợp với những chính sách khác như thuế, các chủ trương dạy nghề hướng nghiệp và nâng cao dân sinh dân trí ở khu vực nông thôn.
 

Xin cảm ơn ông!

* GS. Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường):

Tích tụ đất đai là cuộc đấu tranh rất gay gắt giữa nhà vua và giai cấp địa chủ trong lịch sử của chế độ phong kiến nước ta. Nhà vua muốn giằng lại đất cho mình, không cho địa chủ tích tụ, nhưng địa chủ thì mong muốn tích tụ càng nhiều càng tốt vì đất là cửa làm ăn của một giai cấp nắm kinh tế như họ. Có những lúc triều đại đổ vỡ vì ý tưởng lấy lại đất đai cho mình, ví dụ như Hồ Quý Ly. Ông ta giằng lại đất của các quý tộc, địa chủ, đến khi nhà Minh sang thì ông ta bị chính quan lại cũ dẫn tướng nhà Minh đi bắt. Cũng có những triều đại thực hiện việc lấy lại đất đai của giai cấp địa chủ tương đối thành công, ví dụ như vua Minh Mệnh. 

Hạn điền của ta bắt đầu được lập ra từ 1993, với ý tưởng ruộng đất phải hạn chế lại, không để cho giai cấp địa chủ trỗi dậy. Nhưng đến lúc này việc bỏ hạn điền là hợp lý, vì chúng ta cần tập trung những vùng đất lớn mới phù hợp với tính chất công nghiệp. Hơn nữa, lúc này chúng ta đang muốn giảm dân số trong khu vực nông nghiệp để chuyển sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Việc giảm dân số ở khu vực nông nghiệp là đương nhiên, vậy thì việc tăng diện tích là đương nhiên. Đó là xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, không giống như xu hướng kinh tế nông nghiệp như trong thời đại phong kiến. 

Tôi tin rằng Luật sắp tới sẽ bỏ hạn điền, bởi nó gần như đã được đồng ý khi Quốc hội xem xét Luật đất đai 2003 rồi và có giữ lại chúng ta cũng không kiểm soát được. 
Có thể có một số người kinh doanh đất đai dưới dạng địa chủ mới, tích tụ đất nông nghiệp thật lớn và bắt đầu phát canh thu tô, đưa người nông dân vào cảnh nghèo khó. Nhiều nước họ giải quyết vấn đề này rất hiệu quả. Ví dụ Đài Loan dùng thuế để giải quyết. Nếu anh trực tiếp sản xuất thì thuế thấp hơn nhiều so với việc anh đứng giữa thuê người khác sản xuất. Họ đánh đến mức anh không thể thuê được và chỉ có thể trực tiếp sản xuất thôi. Thậm chí chúng ta có thể thu hồi đất nếu phát hiện có phát canh thu tô. Chúng ta không nên dùng thời hạn và hạn điền như hai chế tài để giải quyết những tiêu cực trong nông nghiệp hiện nay. 

* TS. Nguyễn Quang A:

Nếu rạch ròi về quyền sở hữu, thì việc tích tụ ruộng đất sẽ xảy ra theo cơ chế thị trường, tức là thuận mua vừa bán (và chỉ tiến hành giữa các cá nhân, tổ chức trong nước. Người có khả năng có thể mua của những người khác để tích tụ và việc tích tụ ruộng đất là một điều hết sức cần thiết đối với sự phát triển của đất nước. Chỉ có tích tụ ruộng đất, tích tụ tư bản như thế thì mới có quy mô sản xuất đủ lớn để quản lý nó một cách hiệu quả. Rất khó đưa máy móc, kỹ thuật vào những mảnh ruộng manh mún, nên chế độ hạn điền như bây giờ là cản trở sự phát triển của đất nước. Phải mở rộng cái đó ra và để cho thị trường tự do quyết định trên cơ sở hợp đồng, có đăng ký, Nhà nước không cần can thiệp.

Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân