Lý thuyết của kẻ sắp chết

Hôm nay, trên Facebook, nhiều người chia sẻ cho nhau một bài viết đăng trên VietNamNet, có một cái tựa khá thu hút: "Những điều hối tiếc nhất khi sắp chết".

Nội dung bài viết là 5 điều hối tiếc nhất của những người sắp chết, do một nữ y tá người Úc ghi chép lại từ những bệnh nhân của cô. Trong 5 điều đó thì điều cô thống kê được nhiều nhất là "Tôi ước mình có đủ dũng cảm để sống một cuộc sống thật sự với bản thân chứ không phải cuộc sống theo mọi người mong muốn".

Điều này thu hút tôi và tôi nghĩ việc nó được thống kê nhiều nhất cũng không có gì gây ngạc nhiên. Ý niệm về thời điểm cận kề cái chết không phải chỉ đến với những người như vậy. Vào năm thứ nhất đại học, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm cảm giác của một người sắp chết. Không biết những dữ kiện gì của cuộc sống thực đã tạo nên nội dung giấc mơ đó của tôi, nhưng cảm giác khi biết mình chỉ còn 24 giờ nữa để sống là không ảo chút nào. Trong một vài phút của trải nghiệm đặc biệt đó, tôi cũng đã dằn vặt mình về những điều mình chưa kịp làm được. Giấc mơ này có lẽ là phổ biến. Điều đó có nghĩa là, không phải chỉ có người sắp chết mới tự đặt ra cho mình câu hỏi về những điều họ thực sự muốn làm trong đời.

Tôi thường không tin những lời trăn trối kiểu này của người sắp chết. Khi người ta bị đẩy đến ranh giới trong nhận thức và tâm lý, ví dụ như đứng trước cái chết, thông thường những ý nghĩ, những cảm xúc ngoại lệ, cực đoan sẽ phát sinh và người ta thường nói những điều mà bình thường họ không bao giờ nghĩ, không bao giờ làm, thậm chí còn không đúng.

Vốn dĩ con người luôn phải tồn tại trong mối liên hệ với cộng đồng. Không có con người nào hoàn toàn tách ra khỏi cộng đồng để có thể chỉ sống như mình mong muốn mà không cần quan tâm đến mong muốn của mọi người. Sự cực đoan này dễ dẫn con người ta đến chỗ vị kỷ, chỉ sống cho riêng mình và thậm chí là tha hóa.

Ở mặt đối lập, người ta lại hối tiếc vì mình đã không đủ dũng cảm để sống thực với bản thân mình, làm những điều mình mong muốn và phải hóa thân cuộc sống của mình vào mong muốn của người khác. Họ tiếc và tự hỏi tại sao cuộc đời của mình mà mình lại phải hi sinh để làm hài lòng mọi người, hay là để mọi người quyết định?

Ở một xã hội trọng sĩ diện hão và những giá trị lộn ngược như Việt Nam, cái Tôi của con người bị hiếp dâm một cách phổ biến và trong hầu hết các trường hợp được coi là đạo đức. Ví dụ, một ông bố 60 tuổi góa vợ sẽ phải từ chối tình yêu với một phụ nữ có hoàn cảnh tương tự dưới áp lực của con cái. Một cậu sinh viên Bách Khoa biết chắc mình đã chọn sai nghề nhưng không thể bỏ học giữa chừng để theo đuổi đam mê nghệ thuật chỉ vì điều đó sẽ làm mất sĩ diện của bố mẹ cậu. Ở cơ quan, một anh công chức không thể từ chối nhận phong bì hối lộ cho công việc đương nhiên anh phải làm chỉ vì đồng nghiệp cũng nhận cả và anh không muốn họ tán vào bàn ra. Hay đơn giản như việc nhiều người không thể không vượt đèn đỏ vì tất cả mọi người đều vượt và nếu bất cứ ai đó dừng lại cũng đều có thể nhận về những lời lẽ mang tính chất xúc phạm.

Mọi người cùng nhau giấu cá tính của mình, giấu sự sáng tạo của mình, giấu cảm xúc của mình, giấu ước mơ của mình, giấu chính kiến của mình, giấu trách nhiệm của mình và giấu cả sự lương thiện của mình để tự hòa tan mình vào với sự vô vị, đôi khi là sự tha hóa của tất cả. Chỉ vì, nếu anh không như thế, anh sẽ là thằng hâm. Xã hội có ai như thế đâu, sao anh lại như thế? Con nhà người ta có ai như thế đâu, sao con lại như thế?... Xã hội nói chung thiếu một cách căn bản và trầm trọng sự tôn trọng dành cho tự do của người khác.

Vào trường hợp như thế, liệu cái đám người sắp chết kia, nếu may mắn khỏi bệnh, có dám sống ngược lại với cái điều họ đã hối tiếc không? Có dám dũng cảm sống thật với bản thân không? Tôi tin rằng, hầu hết là không. Bởi sự dũng cảm mà chỉ được ước mơ khi sắp chết, vĩnh viễn là sự dũng cảm không bao giờ tìm thấy được trong đời thường. Và, cuộc đời cũng không thể đơn giản chỉ biết sống thật với bản thân mình mà không cần quan tâm đến mong muốn của người khác.

Sự hối hận của kẻ sắp chết, âu cũng chỉ là lý thuyết mà thôi.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân