Thiên văn học ở Việt Nam: Xa xỉ và... cần thiết

Cũng giống như nhiều môn khoa học cơ bản khác, thiên văn học ở Việt Nam – một nước nghèo, nơi khoa học bị chi phối bởi những quan điểm phiến diện và thực dụng – thường bị đặt câu hỏi về sự cần thiết của nó đối với cuộc sống hiện nay. Nhưng nếu toán học hay vật lý lý thuyết còn may mắn được đầu tư ít nhiều, thì vị trí của thiên văn học ở ta lại vô cùng khiêm tốn, nếu không muốn nói là không đáng kể.

Tháng 12/2011, trong lần gần nhất trở lại Việt Nam, GS. Trịnh Xuân Thuận – nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt tại ĐH Virginia – đã nhận xét thẳng thắn: “Tôi nghĩ rằng Việt Nam chưa có ngành thiên văn học. Việt Nam chưa có cái kính thiên văn nào có thể khảo cứu được bầu trời, quan sát được toàn bộ vũ trụ.” 

“Bạn đồng hành” của GS. Trịnh Xuân Thuận là dịch giả Phạm Văn Thiều – Phó Tổng thư ký Hội Vật lý Việt Nam, là người nỗ lực chuyển ngữ và phổ biến các tác phẩm thiên văn học của GS. Thuận và nhiều nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới đến Việt Nam. Ông Thiều chia sẻ: “Nói thiên văn học xa xỉ với Việt Nam thì không hoàn toàn đúng, nhưng ta chưa có điều kiện. Có muốn cũng chẳng làm gì được. Ví dụ bây giờ có ai nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực này đâu mà bảo phát triển thiên văn học.” Ông đưa ra một thực tế hiển nhiên: muốn nghiên cứu, ít nhất phải có đài thiên văn, mà ở Việt Nam đến nay vẫn chưa hề có đài nào. Ngoài các yếu tố như khí hậu – thời tiết, địa điểm (cần nơi ở trên cao, bầu trời trong, xa ánh điện thành phố để không làm nhiễu loạn ánh sáng của các ngôi sao), thì việc xây đài thiên văn còn cần một điều kiện tối quan trọng là tiền. 

Khác với những nước phát triển như Mỹ, nơi nhiều đài thiên văn được tài trợ bởi nguồn tài chính tư nhân, ở Việt Nam, nghiên cứu khoa học nói chung và khoa học cơ bản nói riêng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. (Cho mãi tới gần đây, mới có một nhà đầu tư tư nhân lẻ loi trong lĩnh vực không gian là F-Space, nhóm nghiên cứu ra đời cuối năm 2008, trực thuộc Đại học FPT). Do phải phân bổ nguồn lực cho nhiều lĩnh vực khác nhau, cho nên thiên văn học – cái ngành quá tốn kém – sẽ bị xếp hàng sau, và lâu dần, càng ngày càng tụt hậu so với thế giới phát triển, thậm chí so với một nước láng giềng trong khu vực là Trung Quốc. Từ chỗ tụt hậu cho đến chỗ bị “bỏ quên”, có lẽ, chỉ một bước chân. Trong khi đó, tiếc thay, thiên văn học lại có những giá trị rất thiết thực.

Cổ vũ niềm đam mê khoa học


Người Việt Nam vốn có tố chất đam mê khoa học, trong đó có vật lý thiên văn. Điều đó rất dễ hiểu, bởi vì tưởng như là một ngành khoa học xa vời, nhưng thực chất, thiên văn học rất gần gũi và có sức lay động mạnh mẽ đến khát khao khám phá của con người. Không phải chỉ trong các đài thiên văn hay cơ quan hàng không vũ trụ, người ta mới đặt ra những vấn đề về chuyển động của các hành tinh, bản chất của các ngôi sao hay nguồn gốc của các thiên hà.

Con người quan sát thấy vũ trụ hàng ngày, hàng đêm và nhận thức rõ mối liên hệ giữa bản thân mình với vũ trụ. Âm lịch và chiêm tinh học là những ví dụ điển hình và thô sơ nhất để khẳng định mối bận tâm to lớn của con người trước các hiện tượng trong vũ trụ. Vẻ đẹp tuyệt mỹ của vũ trụ cũng là niềm đam mê bất tận của con người từ cổ đại đến nay. Mối bận tâm và đam mê này, có lẽ còn lâu đời và phổ biến hơn cả các khoa học cơ bản khác. Việt Nam đã có cơ hội kiểm chứng một cách hoàn hảo tính chất “ngòi nổ” của thiên văn học vào ngày 24/10/1995, khi hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra ở nước ta và tạo thành một cơn sốt ở khắp mọi miền. Được sự cổ vũ của ngành giáo dục và truyền hình quốc gia, lần đầu tiên trong lịch sử, những kiến thức thiên văn học đơn giản về nhật thực đã được cập nhật hết sức nhanh chóng đến một bộ phận cư dân rộng lớn, đặc biệt là tầng lớp học sinh, sinh viên. Một phong trào nghiên cứu thiên văn học đã khởi phát nhờ hiệu ứng từ sự kiện đó mà biểu hiện là sự ra đời của hàng loạt các câu lạc bộ và website nghiên cứu thiên văn nghiệp dư. 


Việc cuốn sách “Lược sử thời gian” của Stephen Hawking được tái bản tới 10 lần trên thị trường sách Việt Nam cũng là một ví dụ cho thấy sự quan tâm của người đọc tới vũ trụ và thiên văn học. Dịch giả Phạm Văn Thiều không giấu niềm vui khi những cuốn sách phổ biến khoa học (trong đó có vật lý thiên văn) của ông được nhiều bạn trẻ tìm đọc. Ông chia sẻ, “Tôi dịch những tác phẩm này để mượn câu chuyện khoa học cổ vũ niềm đam mê khoa học và tinh thần sáng tạo. Xét cho cùng, niềm đam mê, sự tò mò của con người đối với tự nhiên là bản chất của con người từ thời cổ đại cho đến nay, không hề thay đổi. Chỉ có điều làm sao khuấy động nó lên.” 

Cạnh tranh về công nghệ vũ trụ: cuộc chiến đấu mới

Hơn một thế kỷ qua kể từ khi chiếc máy bay đầu tiên ra đời năm 1903, lợi ích của con người đã không còn dừng lại ở mặt đất. Với sự tiến bộ của khoa học – công nghệ, tầm với của nhân loại trên bầu trời ngày càng rộng hơn và danh mục lợi ích cũng ngày một dài hơn. Thiên văn học, với tư cách là một ngành khoa học cơ bản, đã trở thành tiền đề cho những ứng dụng công nghệ vũ trụ phục vụ một cách hiệu quả các nhu cầu của con người. 

Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, nghiên cứu thiên văn học đã giúp các nước phát triển đưa được các phương tiện truyền dẫn, quan trắc lên quỹ đạo Trái Đất. Hiện nay, có đến 5.000 vệ tinh nhân tạo của con người có mặt trên quỹ đạo nhưng chỉ có 1 vệ tinh của Việt Nam. Điều đó đương nhiên dẫn đến sự phụ thuộc của Việt Nam vào hệ thống truyền dẫn, quan trắc của nước ngoài, trong đó có những hạng mục đặc biệt quan trọng như viễn thông và khí hậu. 

Sức mạnh của các nước phát triển cũng đã được xác lập trên khoảng không vũ trụ, với hệ thống phòng thủ tên lửa của Hoa Kỳ và trong tương lai sẽ là Nga và NATO. Dù còn là một ý tưởng dài hơi nhưng xu hướng mở rộng quyền lực quân sự để chiếm lĩnh các vị trí xa hơn trong vũ trụ là có thực. Lực lượng phòng không vũ trụ cũng đã được một số cường quốc quân sự như Hoa Kỳ, Nga,… thành lập để phục vụ cho mục đích an ninh này. 

GS. Trịnh Xuân Thuận khẳng định: “Đúng là nghiên cứu khoa học cơ bản, trong đó có thiên văn học, không đem lại lợi ích tức thì trong ngắn hạn. Nhưng có một thực tế là các nước muốn phát triển, muốn thịnh vượng, thì đều phải đầu tư và đều phải có nền khoa học cơ bản phát triển: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là các ví dụ. Nước láng giềng của ta là Trung Quốc cũng hiểu thực tế đó, và chính vì hiểu nên họ đổ rất nhiều tiền vào khoa học vũ trụ.” 

Sự cạn kiệt những nguồn năng lượng truyền thống trên Trái Đất cũng đặt ra bài toán đi tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, trong đó có năng lượng từ vũ trụ, với giải pháp hấp thụ nguồn năng lượng Mặt trời từ vũ trụ và truyền về Trái Đất thông qua các vệ tinh đặc biệt. Đây cũng đang là mục tiêu tìm kiếm dài hạn của các cơ quan nghiên cứu thiên văn học trên thế giới. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ tiếp tục phụ thuộc vào các nước phát triển trong lĩnh vực then chốt, mang tính chiến lược là năng lượng. 

Những ứng dụng phục vụ cho các lợi ích chiến lược quốc gia có tiền đề từ nghiên cứu thiên văn học vẫn còn quá nhỏ bé so với các kết quả nghiên cứu của ngành này. Tuy nhiên, xu hướng giành giật các lợi ích trong vũ trụ là không thể phủ nhận và lợi thế thuộc về những quốc gia đi tiên phong trong nghiên cứu thiên văn học. Để hạn chế bị phụ thuộc vào các cường quốc trong dài hạn, Việt Nam cần cân nhắc đến việc phát triển việc nghiên cứu thiên văn học như một cách giữ được thế chủ động của mình trong tương lai. 

Nguy cơ tụt hậu xa hơn
Ngay từ khi Việt Nam phóng vệ tinh VINASAT-1 lên vũ trụ, đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng thật khó để VINASAT-1 có thể được các chuyên gia Việt Nam quản lý nếu chúng ta không có một đội ngũ nhà thiên văn học có năng lực thực sự. Chúng ta cũng sẽ bất lực hoàn toàn khi muốn tham gia các liên minh phòng thủ không gian hay chia sẻ với các quốc gia khác những nguồn năng lượng khai thác được từ vũ trụ trong tương lai. Không vươn tới những chuẩn mực và lĩnh hội những tri thức thiên văn học của thế giới, việc tụt hậu xa hơn là hậu quả có thể nhìn thấy được một cách rõ ràng ngay từ khâu chuyển giao công nghệ. 

Ttrong cuốn “Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao” (cuốn sách phổ biến khoa học mới nhất của ông, do dịch giả Phạm Văn Thiều chuyển ngữ, NXB Tri Thức ấn hành năm 2011), GS Trịnh Xuân Thuận đã viết: “Lịch sử đã chứng minh một điều rằng ngay cả các lý thuyết trừu tượng nhất cũng chắc chắn dẫn đến các ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.” Những trăn trở về việc nghiên cứu một ngành khoa học hết sức tốn kém như thiên văn học là có thật, nhưng cũng cần thiết phải đặt ra những bài toán chính sách phù hợp để phát triển thiên văn học ở Việt Nam, như một giải pháp đầu tư cho những lợi ích to lớn trong tương lai.

Hữu Long

Bài đăng trên tạp chí Tia Sáng.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân