Sự tin tưởng - chất dinh dưỡng cho cái tốt nảy mầm

Dư luận xung quanh Nguyễn Thùy Linh cho thấy chúng ta đang sống trong một xã hội đầy sự nghi kỵ và đố kỵ. Nghi kỵ lẫn nhau vì nỗi ám ảnh quá lớn về cái bóng ma của công an mật. Đố kỵ vì sự nổi lên quá nhanh và đầy thuyết phục của một cô bé tự nhận là 20 tuổi. Nó có vẻ làm cho nhiều ngôi sao gạo cội cảm thấy không thoải mái. Riêng một số bạn hải ngoại và Tây học thì không tiếc lời so sánh hiện tượng họ cho là bất bình thường và bệnh hoạn này với nền dân chủ tự do tuyệt vời mà các bạn ấy được hưởng, với tất cả sự trịch thượng và nguy hiểm của kẻ tự coi mình là bề trên. 

Cho dù Thùy Linh có là công an mật, tôi vẫn dành cho những ý kiến của cô ấy sự trân trọng. Một mình "viên công an" này đã truyền được một thứ cảm hứng lành mạnh hơn tất cả những gì mà những kẻ tỉnh táo đầy nghi kỵ và đố kỵ có thể làm được. Nếu những người tự cho là cấp tiến không thể đáng yêu hơn một viên công an, thì những thứ các bạn hô hào chẳng có giá trị gì hơn ngoài một thứ trang sức vô duyên lủng lẳng trên cổ các bạn. Trong trường hợp đó, phải nói rằng tôi muốn yêu công an hơn là yêu các bạn. 

Cá nhân tôi không xa lạ với những bạn trẻ mười chín đôi mươi sở hữu sự trưởng thành vượt trội so với ngay cả những người nhiều tuổi hơn họ, kể cả về tri thức lẫn thái độ chính trị. Họ nói đúng thì dù là công an, đảng viên hải ngoại ngụy trang hay là ai đi chăng nữa thì họ vẫn đúng.

Một xã hội nghi kỵ là điều những nhà độc tài mong muốn. Đó không thể là nơi cái tốt có thể nảy mầm và được động viên để phát triển. Đôi khi người ta cần dành cho người khác một sự tin tưởng mặc định, thậm chí vô điều kiện, dựa trên giả định rằng bản chất mặc định của con người là tốt, và chấp nhận rủi ro từ sự đặt cược đó. Suy cho cùng, rủi ro đó không đáng kể so với lợi ích có được từ sự tin tưởng.

Comments

Popular posts from this blog

Trao đổi với Hoàng Thị Nhật Lệ và Đông La về Tuyên bố 258

Từ sông Tamsui nghĩ về sông Tô Lịch

Việt Tân